Vì sao điện mặt trời mái nhà tự tiêu tự sản dôi dư phát lên lưới điện với giá 0 đồng?

Cụ thể, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đã quy định về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện nêu rất rõ: “Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia)”.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, thứ nhất là để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đầu tiên là nhằm phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

dien-mat-troi-ap-mai-he-thong-nang-luong-tuong-lai-2
Bộ Công Thương đề xuất nếu sản lượng điện mặt trời mái nhà tự tiêu tự sản dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia, thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Chính vì mục đích tự sản tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản… Trong khi, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà không phải “tự sản tự tiêu” mà kinh doanh, mua bán thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và một số quy định pháp luật chuyên ngành khác.

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối hay không đấu nối với lưới điện quốc gia là do các tổ chức, cá nhân tự lựa chọn khi phát triển và không có hoạt động bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không giới hạn về công suất lắp đặt. Trường hợp có đấu nối với lưới điện quốc gia, theo Quy hoạch điện VIII quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đến năm 2030 khoảng 2.600MW trong cơ cấu nguồn đến năm 2030. Đối quy mô công suất điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đến năm 2030 đã được phân bổ cho các địa phương tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng lưới điện của nước ta những năm qua dù đã được đầu tư, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa, nhưng không có nghĩa là có thể hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau. Để làm được điều đó, phải có công nghệ lưu trữ, công nghệ vận hành điều độ hệ thống lưới điện, nguồn điện nền có thể kịp thời phát khi điện gió, điện mặt trời sụt giảm. Trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.

Thứ ba, dự thảo lần này đưa ra quy định với hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà gồm có đấu nối và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Chính sách giá 0 đồng chỉ áp dụng với sản lượng điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” dư thừa phát lên lưới điện quốc gia. Sở dĩ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phát điện lên lưới quốc gia sẽ có giá 0 đồng, là bởi Nhà nước muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời mái nhà để đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Thứ tư, một trong những điểm đáng chú ý trong Quy hoạch điện VIII là việc giới hạn phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Điều này nhằm đảm bảo rằng quy mô thực tế của các nguồn điện này không vượt quá kế hoạch đã được phê duyệt, từ đó tránh tình trạng quá tải cho hệ thống phân phối và truyền tải điện. Mục tiêu là để tránh bị “vỡ quy hoạch” nguồn và lưới điện, đảm bảo sự ổn định và bền vững cho hệ thống điện quốc gia.

Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII cũng khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhưng không được phép bán điện. Điều này đặt ra hướng đi rõ ràng, tập trung vào việc sử dụng điện mặt trời để tự cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, thúc đẩy sự tiết kiệm năng lượng và giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia.

Trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, bởi vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích