Vì sao đề xuất doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu?
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều (29/3), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đang phối hợp xây dựng dự thảo nghị định mới, thay thế các nghị định trước đây về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nội dung nghị định sẽ có nhiều đổi mới vừa mang tính chất đảm bảo mục tiêu cân đối cung cầu xăng dầu, không thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng…
Về nội dung liên quan đến đề xuất để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo nghị định dự kiến tiến gần hơn với cơ chế thị trường. Theo đó, Nhà nước ban hành công thức giá để doanh nhân tự quyết định giá bán, nhưng không cao hơn công thức giá quy định.
Đề xuất để doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu. |
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự thảo có nhiều nội dung đổi mới, nhưng phải đảm bảo mục tiêu cân đối được cung cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình điều hành phải tiệm cận thị trường, nhưng phải có điều tiết của cơ quan Nhà nước.
Trong đó, Nhà nước có vai trò điều tiết, đưa ra công thức, trên công thức đó doanh nghiệp tự tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế để đưa ra mức giá phù hợp, nhưng không vượt giá trần.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Với lần xây dựng nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu, mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế…
Dựa trên dữ liệu này, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Bộ Công Thương cho rằng, quy định này nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quyết định giá bán của doanh nghiệp.
Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh thực hiện 15 ngày/lần.
Đề cập đến nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, đại diện Vụ Thị trường trong nước đánh giá, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ một số bất cập, nên dự thảo lần này đang nghiên cứu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về mức trích, chi, thời gian trích, chi sử dụng Quỹ.
Làm rõ thêm nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về việc nên giữ hay bỏ Quỹ này. “Trong nghị định mới, Bộ sẽ có điều chỉnh về việc vận hành quỹ bình ổn giá này”, Thứ trưởng cho biết.
Nguồn: Báo lao động thủ đô