Vì sao chưa thể đấu thầu dự án điện tái tạo với tiêu chí giá rẻ?

Thời gian qua, quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện (trừ các dự án BOT) chưa xem xét đến tiêu chí giá bán điện. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư mới tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả thực hiện thông báo kết quả kiểm toán.

Trước đó, tại thông báo về kết quả kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ/ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế đấu thầu và ban hành các thủ tục liên quan đến công tác đấu thầu, đảm bảo khách quan và thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trả lời vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án điện.

Qua trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương nhận thấy còn một số vướng mắc lớn để thực hiện chủ trương này.

Vì sao chưa thể đấu thầu dự án điện tái tạo với tiêu chí giá rẻ?
Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra nhiều vấn đề trong phát triển điện gió, điện mặt trời. Ảnh minh họa: Lương Bằng

Trước hết, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực điện hiện không quy định bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện. Do đó, việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các quy định hiện hành để lựa chọn nhà đầu tư (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu).

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí lựa chọn là giá bán điện không phù hợp với quy định hiện hành.

Bên mua điện không phải là cơ quan quyết định chọn nhà đầu tư

Bộ Công Thương lý giải, quy định tại Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực về chủ thể lựa chọn nhà đầu tư khác với chủ thể xác định giá điện.

Theo quy định, bên mua điện (EVN) có quyền quyết định/thoả thuận giá mua điện với bên bán. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư không phải là EVN.

Vì vậy, thời gian qua, nhìn chung quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện (ngoại trừ các dự án BOT) chưa xem xét đến tiêu chí giá bán điện. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ triển khai công tác chuẩn bị, tiến hành đàm phán Hợp đồng mua bán điện, thực hiện thu xếp vốn cho dự án, thực hiện đầu tư dự án.

“Như vậy, căn cứ các quy định hiện hành về Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực thì không thể thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu”, Bộ Công Thương đánh giá.

Bộ này cũng khẳng định không có thẩm quyền ban hành quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bộ Công Thương thấy rằng: Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu chưa có căn cứ để triển khai do còn quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực.

Tuy nhiên, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (không có tiêu chí giá bán điện cạnh tranh) vẫn đang được các tỉnh thực hiện theo pháp luật đầu tư và không có vướng mắc gì.

Tại kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các dự án đã có báo cáo hoàn thành.

Bộ Công Thương cho biết: Năm 2022, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tích cực tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu khi các dự án đã có báo cáo hoàn thành. Cụ thể, với điện mặt trời, kiểm tra 84 dự án và ban hành 64 văn bản thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu (còn 20 dự án có hồ sơ chưa đủ điều kiện như thi công sai thiết kế, chưa có Quyết định giao, cho thuê đất, chồng lấn quy hoạch dự trữ titan… ).

Với điện gió, kiểm tra và ban hành 6 văn bản thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích