Vì sao cần ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành?

Cơ sở xây dựng quy chuẩn

Về sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, theo Bộ TN&MT, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại khu vực miền Nam, trong đó có TP.HCM, môi trường không khí đã bị tác động do bụi lơ lửng tổng số và tiếng ồn, gây ra bởi hoạt động sản xuất và giao thông trong vùng. Tại khu vực miền Bắc, trong đó có TP. Hà Nội, trong tháng 7 và tháng 11 năm 2020 có một số ngày chất lượng không khí có diễn biến xấu đi, do những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu.

Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 đã vượt QCVN, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm. Như vậy, có thể nhận định vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu khoa học của một số chuyên gia môi trường tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy tỷ lệ ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải dao động trong khoảng từ 40% đến 60%.

Tại Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2013/BTNMT) quy định ngưỡng nồng độ của các thông số TSP, PM10, PM2.5, CO, NO2, SO2, O3, Pb. Trong đó, bụi (TSP, PM10, PM2.5), CO, NO2, SO2, Pb là chất ô nhiễm sơ cấp được phát thải trực tiếp từ nguồn. NO2 vào NO được gọi chung là NOx. NO và NO2 đều được phát thải từ quá trình cháy, nhưng NO chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều.

Sau khi phát thải vào khí quyển NO chuyển hóa thành NO2. Do đó, các quy chuẩn phát thải quy định kiểm soát NOx. O3 và một phần bụi là chất ô nhiễm thứ cấp được hình thành từ các phản ứng trong khí quyển. Một chất ô nhiễm không khí quan trọng không có trong các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia nhưng lại cần tập trung kiểm soát là các hydrocacbon (HC).

Một số HC như benzen, toluen, xylen… có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thậm chí gây ra rủi ro ung thư (benzen). Ngoài ra HC còn là tiền chất đóng góp vào sự hình thành O3 và bụi mịn. Việc kiểm soát phát thải trong giao thông có thể chia làm 2 phần: Kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn xả thải hay kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn chất lượng nhiên liệu.

Thế giới cũng như Việt Nam đã đạt được thành công rất lớn trong việc kiểm soát Pb thông qua việc cấm sử dụng xăng pha chì (Báo cáo của Ngân hàng Thế giới). Việc kiểm soát SO2 được thực hiện thông qua kiểm soát hàm lượng S trong xăng. Việc kiểm soát bụi, HC, NOx, CO được thực hiện dựa vào các quy định pháp lý liên quan tới xả thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.

Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường trong đó có quy định yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trong đó yêu cầu tăng cường kiểm soát các chất gây ô nhiễm trong khí thải từ các phương tiện giao thông; xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới.

Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí với nhiều giải pháp cấp bách, quan trọng, trong đó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TN&MT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021.

Để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường không khí nói chung, môi trường không khí các đô thị nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;

Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu (trong đó các mức khí thải quy định áp dụng theo TCVN 6438 và Tiêu chuẩn Euro hiện hành).

Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ có liên quan (Bộ Giao thông vận tải, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an), các Hiệp hội (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM)) để thực hiện nghiên cứu, đánh giá đối với từng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông đã được ban hành và có đề xuất kiến nghị đối với từng đối tượng phương tiện giao thông.

Trong đó việc rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành là một phần quan trọng, liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng, đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông.

Thực trạng xây dựng và thực hiện các quy định tại Việt Nam

Trước đó, kể từ năm 2005, để kiểm soát khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, ô tô đang tham gia giao thông tại các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ lắp động cơ cháy cưỡng bức và động cơ cháy do nén phải áp dụng Mức 1 kể từ ngày 01/7/2006; Ô tô tham gia giao thông mang biển kiểm soát của các tỉnh, thành phố còn lại phải áp dụng Mức 1 kể từ ngày 01/7/2008; Ô tô đã qua sử dụng, nhập khẩu phải áp dụng Mức 3. Các mức khí thải áp dụng theo TCVN 6438:2005 – Phương tiện giao thông đường bộ – Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.

Thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, theo đó các mức tiêu chuẩn khí thải được nâng lên so với mức quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg.

Cụ thể, ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1; Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2021; Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2020; Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng Mức 4 (khi thông quan) từ ngày 15/5/2019; khi đưa vào lưu hành áp dụng Mức 2. Các mức khí thải áp dụng theo TCVN 6438:2018 – Phương tiện giao thông đường bộ – Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.

Ngày 12/8/2021, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó quy định kiểm định khí thải theo Mức 1 và Mức 2 của TCVN 6438:2018 đối với xe ô tô; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô (gọi chung là xe cơ giới).

Song song với việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông, việc kiểm soát niên hạn sử dụng phương tiện cũng đã được quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, trong đó quy định: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng; Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người; Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01/01/2002.

Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay trên toàn quốc có 241 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (Hà Nội 29 trung tâm, TP.Hồ Chí Minh 19 trung tâm, Bình Dương 9 trung tâm, Nghệ An 8, Hải Phòng 7 trung tâm, Đồng Nai 6 trung tâm và các tỉnh thành khác có khoảng 3-4 trung tâm).

Kết quả đăng kiểm trong năm 2020 cho thấy đối với các xe từ 20 năm trở lại đây cho thấy, đối với xe sử dụng nhiên liệu xăng: lần 1 đạt: 95%; sau khi bảo dưỡng lại thì đạt 97,68%. Đối với xe sử dụng nhiên liệu Diesel: lần 1 đạt: 83,6%; sau khi bảo dưỡng lại thì đạt 92,18% (so sánh với mức 2 TCVN 6438).

Việc chỉ quy định khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ đang lưu hành ở Mức 2 nên các phương tiện giao thông dễ dàng đáp ứng dẫn đến tác động ô nhiễm môi trường không khí vẫn chưa được cải thiện. Nhìn chung, tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành ở Việt Nam hiện nay còn thấp hơn khá nhiều một số nước trên thế giới (Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan…) và trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan).

Các nước trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Singapore đối với các ô tô đang lưu hành đã quy định chặt chẽ hơn Mức 3, Mức 4 trong TCVN 6438. Còn tại các nước Châu Âu, xe ô tô đang lưu hành quy định mức khí thải đang lưu hành chặt chẽ hơn Mức 4 trong TCVN 6438.

Theo quy định hiện hành giới hạn xác định tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện ô tô đang lưu hành quy định tại TCVN 6438:2018 Phương tiện giao thông đường bộ – Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải. Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành TCVN 6438:2005 đến nay là TCVN 6438:2018 không thay đổi giá trị các Mức 1, 2, 3 và 4 và việc áp dụng đối với xe ô tô đang lưu hành sản xuất từ năm 2008 đến nay vẫn áp dụng Mức 2. Các xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải đạt mức 4 TCVN 6438, tuy nhiên khi đưa vào lưu hành thì chỉ quy định mức 2 TCVN 6438.

Đối với phương tiện ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới hiện đang thực hiện theo quy định khí thải Mức 4 (tương đương Euro 4) và sắp tới là Mức 5 (tương đương Euro 5) từ ngày 01/01/2022 là các mức giới hạn có yêu cầu tương đối cao hiện nay, tuy nhiên sau khi phương tiện ô tô này được lưu hành tham gia giao thông ở Việt Nam thì định kỳ phải kiểm tra phát thải khí thải theo mức giới hạn của TCVN 6438:2018 chỉ ở Mức 2 đối với xe đang lưu hành sản xuất từ năm 2008 đến nay là mức được đánh giá là khá thấp, dẫn đến không hiệu quả về kiểm soát khí thải đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Do đó, cần nghiên cứu khảo sát để nâng cao tiêu chuẩn khí thải đối với những phương tiện ô tô này.

Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chỉ quy định mức 1 đối với các phương tiện trước năm 1999 và mức 2 đối với các phương tiện từ năm 1999 đến nay. Như vậy, hiện tại chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải xe ô tô đang lưu hành, vì vậy cần phải xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này để thực hiện quy định tại Luật BVMT 2020, Luật Giao thông đường bộ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai áp dụng là hết sức cần thiết.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích