Vì sao cá nóc bị coi là loại ‘cá tử thần’?

Bình thường độc tố này tồn tại ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc cơ thể cá bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây độc tố cực mạnh, cực kỳ nguy hiểm khi ăn phải. Đáng báo động, mặc dù các địa phương, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về ngộ độc cá nóc nhưng ở nhiều nơi, người dân vẫn sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Tại các xã miền biển huyện Diễn Châu (Nghệ An), cá nóc vẫn được bày bán công khai ở chợ đầu mối, chợ dân sinh và người dân chế biến thành món ăn, sử dụng khá phổ biến trong bữa ăn hằng ngày.

Cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) nằm trên hệ thống sông đấu nối với cửa biển Lạch Vạn. Mỗi ngày, cảng cá này tiếp nhận hàng trăm phương tiện tàu, thuyền của ngư dân các xã bãi ngang, ven biển của huyện Diễn Châu cập bến bãi để bán buôn hải sản, trở thành đầu mối cung cấp nguồn hải sản lớn nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Tại cảng cá Lạch Vạn thường xuyên xuất hiện mặt hàng cá nóc, tiểu thương bày bán với số lượng lớn mỗi khi tàu, thuyền của ngư dân cập bến. Trong khu chợ ngay tại cảng cá dễ dàng bắt gặp cá nóc được tiểu thương bày bán trên sạp, quầy có diện tích 1,2 – 2 m². Cá nóc là mặt hàng đắt khách nên tiểu thương, người dân địa phương tranh nhau mua và vận chuyển đi tiêu thụ tại chợ dân sinh trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận.

Nếu không biết cách chế biến, rất dễ bị ngộ độc khi ăn cá nóc. 

Ngay tại chợ cá Lạch Vạn, không khó bắt gặp cảnh người dân đang mổ, sơ chế cá nóc bán cho người sử dụng, tiểu thương mua với số lượng lớn về phơi khô. Tuy nhiên, quá trình sơ chế, chế biến cá nóc tại đây không tuân thủ quy trình, người mổ cá không có kỹ năng chuyên môn nên tiềm ẩn nguy cơ thịt cá bị nhiễm độc tố từ các bộ phận của cá rất cao.

Theo chị Lê Thị L. – người sơ chế cá tại cảng cá Lạch Vạn, thời điểm gần 10 giờ mỗi ngày, khi tàu, thuyền khai thác vùng lộng cập bến, chị thực hiện việc mổ, sơ chế cá nóc. Công việc luôn tay diễn ra trong vòng từ 2 – 3 giờ, cao điểm có ngày sơ chế được hàng chục kg cá nóc.

Nguyên nhân gây ngộ độc cá nóc chính là do độc chất tetrodotoxin trong cá nóc, tập trung ở trứng, ruột và tinh hoàn cá, một trong những chất có độc lực rất mạnh tìm thấy trong tự nhiên. Tetrodotoxin là chất độc không protein, tan trong nước và không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô) nhưng bất hoạt trong môi trường acid hoặc kiềm mạnh.

Trước đó, tại Quảng Ngãi, sau khi ăn cá nóc, 5 người có triệu chứng đau bụng, nôn ói, đi ngoài nên đã nhập viện điều trị. Theo nhận định của các bác sĩ, những bệnh nhân này đều bị ngộ độc ở mức độ nặng. Sau 1 ngày điều trị, các triệu chứng ngộ độc vẫn còn nên cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện.

Bác sĩ Phạm Trung Hiếu (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, cá nóc có chất độc gọi là Tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với chất độc xyanua. Bình thường, chất độc này tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Nhưng khi cá bị ươn hoặc va đập, tiền chất tetrodomin sẽ biến đổi thành chất độc.

“Đến nay ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người ngộ độc cá nóc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố có trong cá nóc tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7). Thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Độc tố trong cá nóc độc tới mức chỉ cần ăn khoảng 10g thịt có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim… với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Chỉ từ 1-2mg, độc tố có thể gây chết người.

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích