Vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, bao giờ mới được xử lý?

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, trong đó văn bản số 154/KH-UBND, ngày 25/5/2023 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch chỉ rõ cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý việc lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã; làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai của UBND cấp xã, cấp huyện và các tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng trái phép, gây thất thoát lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công; thực hiện có hiệu quả việc quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể ở cấp xã trong công tác quản lý đất đai, trên cơ sở công khai toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất rừng bị vi phạm, đã được kết luận thanh tra và tổng hợp báo cáo. Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm kịp thời theo thẩm quyền đối với các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng công trình trái phép mà không có biện pháp kiểm tra, xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện chuyên đề khảo sát thông tin về hiện trạng quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức, qua khảo sát thực tế trên địa bàn xã Đức Thượng, hiện quỹ đất nông nghiệp vẫn còn khá nhiều. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa được chú trọng, mặc dù quy hoạch về tầm nhìn của thành phố Hà Nội đã rất rõ ràng nhưng thay vì việc sử dụng đất nông nghiệp theo đúng mục đích thì hàng loạt các nhà xưởng, nhà ở, ki ốt mọc lên ngổn ngang, tạo ra khung cảnh hỗn độn, khiến cho việc quản lý, quy hoạch gặp nhiều khó khăn, bởi nếu không tuân thủ quy hoạch các đô thị vùng ven sẽ phát triển như “vết dầu loang”, đô thị cứ lớn dần từ trong đẩy ra ngoài, để lại những hệ quả tiêu cực nhiều hơn tích cực.

z5592889184652_590d8f198130f93af2786c91be161b10
Dãy ki – ốt đối diện chung cư Tân Việt mới xây dựng trên đất nông nghiệp.

Tràn lan vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Thời gian qua, tình trạng xây dựng nhà xưởng, công trình kiên cố trên đất nông nghiệp tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội diễn ra theo chiều hướng phức tạp nhưng không được xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc.

Theo đó, hàng loạt các công trình nhà xưởng xây dựng trên đất giao trái thẩm quyền. Cụ thể công trình nhà xưởng tại ngách 298/1, đường Đức Thượng của Công ty TNHH kỹ thuật An Phúc Thịnh; Công ty CP thiết bị công nghiệp và giải pháp tự động hoá TNT TECH.

z5592565902337_ffcc9f9928b5c40312ec1bb3963be79d
Công trình nhà xưởng số 9, số 16 ngách 298/1, đường Đức Thượng của Công ty TNHH kỹ thuật An Phúc Thịnh;  Công ty CP thiết bị công nghiệp và giải pháp tự động hoá TNT TECH xây dựng trên đất giao trái thẩm quyền.

Tại thôn Cựu Quán cũng tràn lan các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Điển hình là dãy ki – ốt đối diện chung cư Tân Việt, đi sâu vào bên trong có quán cafe Koi Garden, nhà hàng Thủy Trại Lương Sơn Quán, 2 công trình này rộng hàng trăm m2, với quy mô xây dựng đồ sộ…

2
Nhà hàng Thủy Trại Lương Sơn Quán, quán Cafe Koi Garden, ngõ 14 thôn Cựu Quán rộng tới hàng nghìn m2 được phản ánh là xây dựng trên đất nông nghiệp.

Chính quyền địa phương có đang bất lực trước vi phạm?

Để thông tin được khách quan, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Đức Thượng về tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng xây dựng trên đất nông nghiệp, sau gần 2 tháng đặt lịch làm việc, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thuấn – Chủ tịch UBND xã Đức Thượng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thuấn – Chủ tịch xã Đức Thượng cho biết xã cố gắng không cho vi phạm mới phát sinh, đối với 2 công trình tại ngách 298/1, đường Đức Thượng đã tồn tại từ trước năm 1/7/2014. Vị Chủ tịch xã biện minh “cần đợi quy hoạch của thành phố và hướng dẫn của thành phố” nên rất khó để xử lý. Khi PV hỏi công trình tồn tại từ thời điểm trước năm 2014, vậy đã trải qua hơn 10 năm, trong đó có tới gần 2 nhiệm kỳ của ông Thuấn mà xã vẫn không xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý các công trình vi phạm, ông Thuấn “cười”…

z5592834762244_9bb760d37e1a2bb33f5bd12b18a793f3
Ông Nguyễn Văn Thuấn – Chủ tịch UBND xã Đức Thượng trong buổi làm việc với pv ngày 24/6/2014

Đối với một số công trình mới xây dựng tại thôn Cựu Quán với quy mô xây dựng lớn mà không vấp phải sự can thiệp quyết liệt từ chính quyền địa phương để công trình đưa vào sử dụng, vị chủ tịch xã cho biết các công trình này xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng hiện tại không xây dựng gì nữa, hình ảnh PV cho xem về vật liệu xây dựng để ngổn ngang trong Nhà hàng Thuỷ trại Lương Sơn là đồ đạc của quán?.

Để tìm hiểu về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc này, PV đặt câu hỏi các công trình xây dựng trong thời gian dài, với quy mô công khai như vậy, xã có phát hiện và lập biên bản xử lý không?, ông Thuấn chỉ biết “cười” và liên tục xin bỏ qua vi phạm. Cuối buổi làm việc, ông Thuấn cũng không cung cấp được tài liệu xử lý vi phạm nào đối với các công trình nêu trên, ông cho biết thêm về vấn đề sức khoẻ nên không thường xuyên ở Uỷ ban, nhiệm kỳ cũng sắp hết nên cố gắng nốt thời gian còn lại…

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết:

z5592938076656_f97c662d12188fca7989e205a810e812
Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

Đối với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Đất đai 2013 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai quy định Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này.Theo đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. Tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ và cuối cùng Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền. Sự quản lý này được tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương đảm bảo một hệ thống quản lý đồng bộ và phối hợp tốt.

Do đó, khi phát hiện có hành vi vi phạm, Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm và có thẩm quyền xử lý các vi nói trên. Cụ thể tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính việc sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích. Cá nhân nếu thực hiện hành vi sử dụng đất trái mục đích sử dụng có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tuỳ vào diện tích vi phạm. Trường hợp pháp nhân vi phạm thì mức phạt áp dụng bằng 02 lần so với cá nhân. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất khi vi phạm; Buộc đăng ký đất đai theo quy định (nếu có đáp ứng đủ các điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất), buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm.

Tuy nhiên cần lưu ý tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chỉ có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với hình thức phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trường hợp nghiêm trọng, nếu người thực hiện hành vi sử dụng đất sai mục đích bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đứng đầu địa phương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cùng các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoàn thành nhiệm vụ.

Thưa ông, vi phạm tồn tại đã lâu nhưng chính quyền địa phương không có các biện pháp xử lý quyết liệt, khiến dư luận hoài nghi về năng lực quản lý, lãnh đạo của chính quyền địa phương, do năng lực yếu kém hay cố tình bật đèn xanh cho vi phạm, ông có ý kiến sao về vấn đề này?

Việc đánh giá năng lực quản lý và lãnh đạo của chính quyền địa phương cần dựa trên bằng chứng và thông tin cụ thể và kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền (nếu có). Nếu có nghi ngờ về việc lãnh đạo cố tình cho phép các vi phạm pháp luật, cần có cuộc điều tra chính thức để làm rõ. Việc này đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan giám sát và pháp luật có thẩm quyền. Đồng thời, cần có sự minh bạch và công bằng trong quá trình xử lý để đảm bảo tính khách quan và công lý được duy trì.

Theo ông, trách nhiệm của UBND huyện Hoài Đức trong việc này như thế nào?

Trong trường hợp các vi phạm vượt quá thẩm quyền của UBND cấp xã và thuộc về thẩm quyền của UBND huyện, việc UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra và làm rõ những sai phạm là hết sức cần thiết. UBND huyện Hoài Đức trong phạm vi thẩm quyền của mình cần chủ động và quyết liệt trong việc này, xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích. Việc này không chỉ giúp giải quyết vấn đề hiện tại mà còn góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng đất, từ đó góp phần vào việc phát triển bền vững của địa phương.

Trước những thông tin trên, đề nghị Huyện Uỷ; UBND huyện Hoài Đức cần quyết liệt vào cuộc, làm rõ những sai phạm nêu trên, xử lý triệt để và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm?.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích