Vi phạm chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng
Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Thắng – Chi cục Phó Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hoá miền Nam đưa ra tại buổi hội thảo khoa học “Phổ biến hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm dầu nhờn theo QCVN 14:2018/BKHCN” diễn ra ngày 23/2.
Theo ông Thắng, trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng; Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, tổ chức là 300 triệu đồng, trừ các trường hợp quy định tại điểm Đ, E, G, H, K2 Điều 14; các điểm Đ, E, G, H, K2 Điều 15; các điểm Đ, E, G, H, K2 Điều 16; các điểm K3, 4 Điều 17; K4 Điều 18, K4 Điều 19 và các K5 – 7 Điều 20.
Cũng theo ông Thắng, mức phạt nói trên chỉ là theo khung pháp luật. Đối với những nhãn hàng hóa không đảm bảo chất lượng đã tiêu thụ trên thị trường mức phạt có thể nhân lên thêm từ 2 đến 3, thậm chí 5 lần. Thời gian qua, có những trường hợp bị xử phạt với số tiền trên dưới 1 tỷ đồng.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy từng hành vi vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi và tái chế, tiêu huỷ sản phẩm, hàng hoá gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi; Buộc phải cải chính thông tin sai sự thật, tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam/ Buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sai phạm còn phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán sản phẩm, hàng hoá từ 1-3 tháng.
Ông Phạm Hữu Vững – Phó Viện trưởng Viện ISSQ chia sẻ tại buổi hội thảo.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về việc ghi thông tin trên bao bì ngoài đối với sản phẩm dầu nhớt nhập khẩu, ông Thắng cho biết, theo quy định về ghi nhãn, bao bì ngoài không nhất thiết phải thể hiện đầy đủ thông tin bắt buộc về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, bao bì ngoài chỉ cần thể hiện một số thông tin cơ bản, ví dụ như nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, tên hàng hóa, định lượng… để khách hàng biết số lượng và định lượng sản phẩm. Trên nhãn chai, nhãn sản phẩm bên trong mới cần ghi đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, tùy từng trường hợp, từng loại hình hàng hóa cụ thể, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định để ghi nhãn sao cho đúng. Bởi khi áp dụng vào thực tế, có nhiều vấn đề nảy sinh trong xuất xứ, nhà sản xuất hàng hóa…
“Trong quá trình chúng tôi tiếp nhận hàng hoá nhập khẩu có trường hợp một mặt hàng có tới 2 đơn vị sản xuất hay trên nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ, số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng… theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá”, ông Thắng chia sẻ.
Hội đồng tư vấn trả lời các câu hỏi, thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm dầu nhờn.
Ông Phạm Hữu Vững – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng (ISSQ) cho biết, đối với các nhà máy đang đặt tại nước ngoài, để sản xuất, gia công cho sản phẩm nhập vào Việt Nam thì thủ tục, trình tự để đánh giá hợp chuẩn hợp quy sẽ căn cứ theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức đánh giá chứng nhận tiến hành đánh giá tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp. Bao gồm quá trình sản xuất, kế hoạch kiểm soát chất lượng sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm. Dựa trên cơ sở đó, nếu tất cả yếu tố được đáp ứng thì bên tổ chức đánh giá tín nhiệm sẽ cấp Giấy chứng nhận theo phương thức 5 có thời hạn giá trị tối đa không quá 3 năm.
“Sau khi đánh giá xong và được cấp giấy chứng nhận theo phương thức 5, các lô hàng bên nước ngoài nhập khẩu về, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục scan chứng chỉ cùng hồ sơ nhập khẩu, đưa lên Cổng thông tin một cửa thì sẽ được thông quan”, ông Vững chia sẻ.
Ông thông tin thêm, hằng năm, tổ chức đánh giá tín nhiệm sẽ qua nhà máy sản xuất được đặt tại nước ngoài để tiến hành hoạt động đánh giá giám sát theo quy định của nhà nước Việt Nam. Chính vì thế, các công ty nước ngoài vẫn có thể tiến hành đánh giá theo phương thức 5 và cấp giấy chứng nhận với 2 điều kiện:
Thứ nhất, tổ chức đánh giá tín nhiệm cử đoàn chuyên gia đánh giá, đánh giá tại các nhà máy của nước sở tại.
Thứ hai là các điều kiện yêu cầu về mức giới hạn, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn đồ uống.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Hiển – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hóa miền Nam cho biết, các doanh nghiệp có thể chọn một phương thức 5 hay phương thức 7 để phù hợp với tình hình kinh doanh của mình. Chẳng hạn, doanh nghiệp chọn phương thức 5 là đánh giá tại nguồn, tại nước sản xuất thì trong một năm đó doanh nghiệp phải nhập rất nhiều, còn đối với phương thức 7 thì tính theo từng lô hàng.
“Chẳng hạn, nếu một năm doanh nghiệp chỉ nhập 2 lô hàng mà lại sử dụng phương thức 5 thì rất tốn kém. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên lưu ý, tuỳ theo kế hoạch nhập khẩu cho từng năm của doanh nghiệp để cân nhắc, lựa chọn phương thức sao cho phù hợp”, ông Hiển nói.
Kim Thoa