Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đất bị xử phạt ra sao?
Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đất bị xử phạt ra sao?
Theo dõi MTĐT trên
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường đất cũng như các vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Môi trường đất là gì?
Môi trường đất là nơi cư trú của con người và nhiều giống động vật. Vi phạm bảo vệ môi trường đất chính là việc đưa các chất thải nguy hại hoặc năng lượng đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của sinh vật, sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường đất ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Lượng hóa chất không được xử lý cẩn thận thì lượng hóa chất đó sẽ ngấm xuống lòng đất và các mạch nước ngầm, đồng thời, phụ thuộc vào từng loại đất mà lượng hóa chất đó ngấm nhanh hay chậm. Quá trình thẩm thấu này diễn ra tập trung ở các khu công nghiệp, trang trại, bãi rác,…
Nạn phá rừng, xói mòn đất diễn ra ngày càng nhiều buộc nhiều loài động vật phải di chuyển đến một vùng đất khác tìm kiếm nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống. Ô nhiễm môi trường đất không chỉ ảnh hưởng đến sinh vật mà còn ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đời sống, sức khỏe của con người, có thể kể đến một số bệnh như: ung thư, bệnh bạch cầu, nhiễm độc gan,…khi chúng ta tiếp xúc nhiều với lượng hóa chất (crom, chì, benzen,…).
Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đất
Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đất là xem xét, quyết định áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đất.
Một số hành vi gây ô nhiễm môi trường đất:
– Chôn vùi, thải vào đất chất thải, chất thải hữu cơ khó phân hủy, chất độc hại, chất thải phóng xạ chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép vào tài nguyên đất.
– Sử dụng các chế phẩm vi sinh, sử dụng phân bón hóa học, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất.
– Hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình đất, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng theo mục đích xác định của đất.
– Sản xuất, gia công buôn bán các loại thuộc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, hạn chế sử dụng tại Việt Nam gây ô nhiễm, suy thoái ô nhiễm môi trường đất.
– Sử dụng những biện pháp bảo vệ thực vật có kháng sinh gây nguy hiểm cho con người, cho sinh vật, hủy hoại môi trường đất.
– Lợi dụng chức vụ quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý và bảo vệ tài nguyên đất…
Xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đất
Điều 37 Nghị định 45/2022/NĐ-CP Quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đất như sau:
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc điều tra sơ bộ, điều tra chi tiết khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường; không báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất theo quy định.
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường; không gửi phương án xử lý cải tạo phục hồi môi trường tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để kiểm tra, giám sát theo quy định.
3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị