Vi phạm bản quyền có thể gây thiệt hại cho Công ty Tâm Đạt hơn 30 tỷ đồng
Theo giới thiệu, Công ty Dragon Technologies đang mở rất nhiều chi nhánh trên khắp cả nước để quảng cáo, rao bán phần mềm quản lý khách sạn cho các đối tác, trong đó chú trọng các địa bàn có ngành du lịch phát triển như Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng…
Dù Công ty Dragon Technologies mới thành lập hồi đầu tháng 3/2022 nhưng doanh nghiệp này đã có lượng khách hàng lớn, ký kết nhiều hợp đồng cung cấp phần mềm cho các đối tác. Lý do là người đại diện của Công ty Dragon Technologies (Long, Tuấn, Vinh) từng công tác nhiều năm ở Công ty Tâm Đạt, giữ nhiều vị trí quan trọng trong công ty, có nhiều mối quan hệ với khách hàng nên rất am hiểu thị trường này. Điều đáng chú ý là thời điểm Công ty Dragon Technologies được thành lập, người đại diện của doanh nghiệp này ông Hoàng Quang Vinh vẫn đang làm việc tại Công ty Tâm Đạt phụ trách kỹ thuật và tư vấn/triển khai hệ thống phần mềm DiHotel.
Tuy nhiên, chỉ mới hoạt động một thời gian ngắn, các cá nhân của Công ty Dragon Technologies bị “tố” sao chép trái phép chương trình phần mềm của Công ty Tâm Đạt, nơi họ đã có nhiều năm cống hiến.
Cụ thể, tại Hợp đồng số N1408/TDA-SW/2022, giữa Công ty Cổ phần Dragon Technologies do ông Hoàng Quang Vinh làm Giám đốc và Công ty TNHH TMDV Toàn Thanh Tuấn ký ngày 14/08/2022 bán phần mềm quản lý khách sạn PMSPROUD với giá trị dịch vụ 144 triệu đồng.
Thế nhưng, theo đại diện Công ty Tâm Đạt, phần mềm mà Công ty Dragon Technologies bán cho Công ty Toàn Thanh Tuấn được sao chép trái phép từ phần mềm DiHotel, DiPOS, DiACC, DiHRM…đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho Tâm Đạt từ nhiều năm nay.
Đối chiếu Hợp đồng Công ty Dragon Technologies ký kết với Công ty Toàn Thanh Tuấn và Hợp đồng Công ty Tâm Đạt ký kết với Công ty Cổ phần Tulip Group (ngày 26/7/2022) thì thấy các điều khoản của hai hợp đồng này không khác nhau nhiều. Đặc biệt, các điều khoản, nội dung, quy cách phần mềm và tài liệu (mô tả chức năng, hệ thống POS (F&B), hệ thống kế toán…) giống nhau đến 99%.
Đáng chú ý, Công ty Toàn Thanh Tuấn là đối tác lâu năm của Công ty Tâm Đạt nên không kiểm tra đăng ký bản quyền của các phần mềm mà Dragon Technologies cung cấp và đã chuyển tiền thanh toán đợt 1 cho Công ty Dragon Technologies qua chuyển khoản với nội dung “thanh toán đợt 1 mua phần mềm DiHotel” (đây là phần mềm của Công ty Tâm Đạt).
Việc Công ty Dragon Technologies mở nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành để quảng cáo, bán phần mềm quản lý khách sạn, ký kết hợp đồng thu tiền của khách hàng trong khi phần mềm PMSPROUD đang bị “tố” sao chép trái phép phần mềm của Công ty Tâm Đạt dẫn đến rủi ro cho khách hàng, đối tác nếu không tìm hiểu kỹ. Đồng thời, hành vi trên ngoài vi phạm pháp luật còn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Theo chia sẻ của Công ty Tâm Đạt, hành vi sao chép phần mềm rồi rao bán ký kết với các đối tác (của Tâm Đạt) mà Công ty Dragon Technologies đang thực hiện đã gây thiệt hại lớn cho công ty khoảng hơn 30 tỷ đồng trong năm 2022.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như sản phẩm của mình, Công ty Tâm Đạt đã làm nhiều văn bản gửi đến các địa phương, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Khánh Hoà, TP. Đà Nẵng…đề nghị ngăn chặn hành vi của Công ty Drangon Technologies nhằm bảo vệ tài sản hợp pháp, uy tín của mình gây dựng gần 20 năm qua. Đồng thời, Công ty Tâm đạt cũng gửi văn bản đến Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề nghị dừng cấp phép quyền tác giả cho phần mềm PMSPROUD mà Công ty Dragon Technologies nộp hồ sơ.
Ngày 23/9/2022, Cục bản quyền tác giả có thông báo số 13/TB-DKQTGQLG nêu: Trong quá trình thụ lý hồ sơ của Công ty TNHH Bản quyền (được ủy quyền của Công ty Dragon Technologies). Cục Bản quyền tác giả nhận được 03 công văn số 0905/20221 CV-TĐ, số 0906 2022/CV-TĐ và số 0907/2022/CV-TĐ của Công ty Cổ phần Giải pháp khách sạn Tâm Đạt về việc xem xét hỗ trợ ngăn chặn hành vi đăng ký bản quyền đối với tác phẩm chương trình máy tính có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì vậy, Cục Bản quyền tác giả tạm dừng xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với 01 tác phẩm chương trình máy tính “Phần mềm Quản lý nhà hàng khách sạn PMSPROUD” cho Công ty Cổ phần Dragon Technologies và đề nghị các bên liên quan giải trình.
Cục Bản quyền tác giả đề nghị ông Hoàng Quang Vinh và ông Hoàng Anh Tuấn cung cấp thêm thông tin trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả chứng minh quá trình độc lập sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của cá nhân hay tổ chức khác, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Sau đó, Công ty Dragon Technologies có văn bản gửi Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng, doanh nghiệp này tạo ra các sản phẩm độc lập bằng trí tuệ, công sức của đội ngũ nhân viên; sản phẩm được tách biệt hoàn toàn với các sản phẩm của Công ty Tâm Đạt do được viết mã nguồn trên nền tảng công nghệ đám mây (Cloud hoá). Quá trình tạo ra sản phẩm có đầy đủ quy trình từ phân công ý tưởng, hệ thống giao việc, kiểm tra, giám sát sản phẩm của đội ngũ nhân viên. Công ty Dragon Technologies không sao chép, phân phối các sản phẩm của người khác, đồng thời công ty đã gửi đăng ký bản quyền các sản phẩm đến Cục Bản quyền tác giả vào các ngày 8, 15 và 30/ 8/2022.
Công ty Dragon Technologies khẳng định không sao chép, phân phối các sản phẩm của công ty khác, không vi phạm pháp luật về bản quyền.
Phóng viên đã liên hệ với ông Hoàng Quang Vinh, đại diện Công ty Dragon Technologies và được cho biết, đội ngũ công ty chủ yếu là từ Công ty Tâm Đạt, sau đó tách riêng ra làm một sản phẩm mới, hai sản phẩm khác nhau về cơ chế. “Sản phẩm bên em có thuê đội ngũ nhân viên, có chi phí trả lương đàng hoàng. Nếu nói bên em sao chép thì bên Tâm Đạt phải có Cloud web mới sao chép được, sản phẩm bên em hiện nay được viết mới hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm đi làm nhiều năm nay, hàng tháng trả chi phí cho nhân viên gần 500 triệu đồng, nếu sao chép thì em chỉ ngồi chơi chứ làm gì phải bỏ ra số tiền lớn để trả lương cho nhân viên, ông Vinh chia sẻ.
Ông Vinh còn cho biết thêm, phần mềm của Tâm Đạt hiện nay cũng do tay ông viết dựa trên quy chuẩn chung của toàn thế giới về quản lý khách sạn (nhập thông tin, Check in và Check out) nên nó không có cái gì là của Tâm Đạt, phần mềm nào nó cũng phải như vậy. Khi viết cái mới cũng phải dựa trên quy chuẩn chung của thế giới.
Liên quan đến việc cấp phép quyền tác giả phần mềm của Công ty Dragon Technologies đã nộp hồ sơ, phóng viên cũng đã liên hệ với ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả để biết kết quả giải quyết vụ việc nhưng được yêu cầu gửi văn bản mới trả lời.
Tương tự, phóng viên liên hệ với bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thì cũng nhận được câu trả lời như trên.
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Linh, Công ty Luật Tân Đại Thịnh và Cộng sự, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Hành vi xâm phạm quyền bản quyền, ăn cắp bản quyền để khai thác ở quy mô thương mại, sao chép có tổ chức, được thực hiện nhiều lần, thu lợi bất chính giá trị lớn, gây thiệt hại về kinh tế đối với quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu đều cấu thành tội phạm hình sự, được pháp luật quy định rất rõ tại các điều khoản thuộc Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi vào bổ sung năm 2017.
Qua sự việc khiếu nại, tố cáo của Công ty Tâm Đạt, cho thấy các cá nhân, pháp nhân công ty bị tố cáo có các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã đủ dấu hiệu cấu thành tội: “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”.
Đặc biệt đối với hành vi ký hợp đồng để phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm phần mềm để kinh doanh, thu lợi là yếu tố quan trọng để cấu thành tội phạm hình sự về xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu. Các dấu hiệu này, phía cơ qua điều tra sẽ làm rõ, đề nghị xử lý hình sự theo pháp luật. Cùng với đó, Công ty Tâm Đạt có quyền xác lập những thiệt hại để yêu cầu bồi thường thiệt hại, xin lỗi và khắc phục hành vi vi phạm.
Về khía cạnh quản lý nhà nước, Cục Bản quyền tác giả khi xử lý sự việc, tiếp nhận hồ sơ của các Công ty Dragon Technologies và hai công ty liên quan khi xác minh, nắm rõ những vi phạm cần chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Mặt khác, Công ty Tâm Đạt có có quyền xem xét đến việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ nếu như các sản phẩm của các doanh nghiệp vi phạm được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo quy định của Đạo luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Hoa Kỳ (UCA) để nhằm ngăn chặn các cá nhân này đưa phần mềm ăn cắp ra nước ngoài để kinh doanh trục lợi./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu