Vì năm học mới chất lượng và kỷ cương

Những dấu ấn nổi bật

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương và Thành phố, tất cả các bậc học, cấp học đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, cấp học mầm non có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động kết nối với gia đình trẻ để triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục khi trẻ phải tạm dừng đến trường trong phần lớn thời gian của năm học. Cấp học phổ thông triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 6.

Vì năm học mới chất lượng và kỷ cương
Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2022-2023.

Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 125 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Điểm nhấn đáng chú ý là trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98.9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%.

Thành phố đã rà soát, trợ cấp, hỗ trợ, tặng quà 1.233 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã tổ chức trao hơn 10.000 thiết bị giúp các em học sinh có điều kiện học trực tuyến.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc Sở đã được Thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.

Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư khoảng 1.965 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư khoảng 4.842 tỷ đồng; bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6; bố trí kinh phí mua sắm bổ sung dự kiến khoảng 706 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quận, huyện, thị xã và kinh phí hỗ trợ của Thành phố…

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó trường công lập là 79%. Thành phố cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều tiến bộ. Chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tăng 8 bậc từ xếp vị trí thứ 17 lên xếp vị trí thứ 9/22 Sở, ngành, cơ quan thuộc Thành phố. Tổ chức triển khai trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trên trang http://tsdaucap.hanoi.gov.vn và mô hình “Trường học điện tử”, học tập trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study… được cha mẹ học sinh và nhân dân quan tâm tin tưởng và đánh giá cao.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là khai giảng năm học mới 2022-2023. Theo ghi nhận, thời điểm này, các trường học trên địa bàn Thành phố cơ bản hoàn tất khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ giáo viên… Một số trường nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động để tạo tâm thế thoải mái, hứng khởi cho thầy cô và học trò trước khi chính thức bước vào năm học. Đối với những lớp đầu cấp, các nhà trường đều dành thời gian để giới thiệu về truyền thống nhà trường, về giáo viên giảng dạy từng môn, dự kiến các hoạt động trong năm học và phương pháp học tập…

Tại Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường được đầu tư xây dựng đồng bộ với đầy đủ trang thiết bị dạy và học hiện đại, khuôn viên trường sạch đẹp, nhiều cây xanh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 100% các nhóm lớp đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng thực hiện yêu cầu của chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại Trường Trung học phổ thông Kim Liên (quận Đống Đa), để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã nâng cao nhận thức của giáo viên về chương trình mới về tính ưu việt của chương trình, tính tất yếu phải thực hiện chương trình mới. Các giáo viên đã tìm hiểu văn bản, nghiên cứu thảo luận và tìm hiểu, bỏ phiếu lựa chọn các bộ sách giáo khoa. Cùng đó, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp…

Hay như tại Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình), tất cả giáo viên trong trường đã được tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận chương trình mới theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Ở từng bộ môn, Tổ chuyên môn đã có định hướng tập trung bàn bạc về những định hướng mới nhất cho chương trình mới. Căn cứ vào nhu cầu nguyện vọng học theo các ban của học sinh, nhà trường đã hoàn thành chia các khối lớp, phân chia đội ngũ giáo viên dạy theo đúng ban đã được hình thành. Nhà trường cũng đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy học trong năm học mới, đặc biệt quan tâm đối với học sinh khối 10.

Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT xác định chủ đề là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”. Toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chât lượng giáo dục mũi nhọn; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số; chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài…

Giao nhiệm vụ cho ngành GD&ĐT Thủ đô tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị toàn ngành cần nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn để có giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến tư vấn tâm lý học đường, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, năm học 2022-2023, toàn ngành tập trung thực hiện những nhóm việc: Tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn; quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh. /.

Toàn Thành phố hiện có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung quan trọng dịp đầu năm học, trong đó thống nhất thời gian tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 vào sáng 5/9. Các trường phải công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới; quan tâm, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Phạm Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích