Vì mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”!

Mưu sinh giữa mùa dịch

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội đã cho học sinh các cấp nghỉ học để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc khó khăn ập đến nhiều hơn với các cơ sở mầm non tư thục và đội ngũ giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục này.

Dù không phải là nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội nhưng trong 2 năm qua, những đợt nghỉ cứ kéo dài vì dịch đã khiến nhiều giáo viên mầm non tư thục phải vật lộn để tìm kiếm việc làm và mưu sinh bởi mức thu nhập trong công việc họ có được trước đó vốn không quá dư dả để tạo tích lũy.

Vì mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”!
Một tiết học trong trường mầm non tư thục tại quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh chụp thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát).

Từ nhiều tháng nay, chị Phạm Thanh Tú (giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm) chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ rộng khoảng chừng 10m2. Chị Tú cho biết, cảnh ở nhà dài ngày đã quen hơn so với đợt nghỉ dịch năm ngoái nhưng nỗi thấp thỏm về công việc, thu nhập lại nhiều hơn.

“Tôi làm giáo viên mầm non ở trường tư thục. Trước đây đi làm tôi có để ra được một ít nhưng bây giờ không làm ra được nên tôi phải thắt chặt chi tiêu hơn. Sau khi trường học tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, tôi có nhận kèm 1-1 cho trẻ viết chữ đẹp và dạy toán thông minh. Nhưng giờ cũng không có học sinh.

Đôi khi tôi cũng thấy buồn, cảm thấy kinh tế không được đảm bảo. Có những lúc nghĩ muốn đổi nghề nhưng lại cảm thấy rất yêu thích công việc này. Hiện tại, tôi mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để có thể trở lại trường tiếp tục công việc”, chị Tú chia sẻ.

Chung tình cảnh, chị Nguyễn Thị Huyền Ninh (giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Hà Đông) mới xin được việc và đứng lớp chưa được bao lâu thì đã phải tạm nghỉ dạy. “Biết tin học sinh ở Hà Nội tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần bố mẹ khuyên tôi về nhà nhưng ở quê rất khó tìm việc đúng chuyên môn nên tôi cố gắng ở lại Thành phố để làm cộng tác viên bán hàng online cho một cửa hàng thời trang, chờ ngày trường học mở cửa trở lại.

Tuy thu nhập không nhiều nhưng nếu tôi biết cách chi tiêu tiết kiệm thì cũng sẽ ổn và không trở thành gánh nặng cho bố mẹ, nhất là khi kinh tế gia đình cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, chị Ninh bày tỏ.

Gắn bó với nghề gần 10 năm nhưng sau chuỗi ngày phải tạm nghỉ dạy vì dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Duyên (giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội) đã xin nghỉ việc để cùng chồng về quê buôn bán. Trước đó, vợ chồng chị Duyên cùng 2 con thuê trọ tại quận Hà Đông. Với đồng lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, cộng khoản thu nhập từ nghề lái xe dịch vụ của chồng cũng tạm đủ chi tiêu cho gia đình.

Tuy nhiên, dịch liên tục bùng phát, thu nhập của vợ chồng chị không còn đều đặn như trước. Đợt dịch này, gia đình chị đã quyết định về quê tìm công việc khác vì không thể trụ ở Thành phố. Trở về quê, hàng ngày, chị Duyên cùng chồng dậy từ 2-3 giờ sáng để ra chợ đầu mối mua rau, sau đó bán lại cho một số tiểu thương lấy lời. “Công việc mới chưa quen, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, về quê không phải thuê nhà nên giảm bớt được chi phí, từ đó có thể lo cho các con được tốt hơn”, chị Duyên cho biết.

Chị Lê Huyền Trang (giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Hoàng Mai) đã không có thu nhập kể từ khi nhà trường tạm dừng hoạt động. Theo chị Trang, sau khi phải nghỉ dạy, chị có ý định ở lại Hà Nội để làm công việc khác. Thế nhưng vì không tìm được việc làm phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh cùng với số tiền tiết kiệm không đủ để chi trả cho các khoản chi phí ở Thành phố nên chị đã chọn cách về quê để phụ giúp gia đình và nhận trông 2 em nhỏ tại nhà. Hiện nay, thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng đủ để giúp chị trang trải cuộc sống hàng ngày.

Qua ghi nhận, thời gian qua, số lượng giáo viên mầm non các trường tư thục ở Hà Nội có nhu cầu tìm kiếm việc làm đang có xu hướng tăng lên. Tại nhiều hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội, mỗi ngày có đến hàng chục bài đăng tìm kiếm việc làm của các giáo viên mầm non tư thục. Việc làm được tìm kiếm chủ yếu là những công việc không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm như: Trực page, bán hàng online, nhân viên tư vấn bảo hiểm…

Thu nhập từ những công việc này thường không cao nhưng đối với các giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ dạy không lương thì đây là số tiền rất cần thiết để có thể trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, ăn uống và đi lại.

“Phao” cứu sinh nhiều hoàn cảnh

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp, khó lường. Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội. Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, trong Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, giáo viên mầm non tư thục là một trong những nhóm đối tượng nhận được hỗ trợ.

Cụ thể, tại Điều 13, Chương IV Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, Quyết định nêu rõ: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Căn cứ những quy định trên, nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ thì giáo viên có thể thông báo đến lãnh đạo đơn vị tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định để được hỗ trợ.

Qua tìm hiểu, các ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động theo hướng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh toàn Thành phố giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 và đặc thù của từng địa phương.

Trực tiếp đến bộ phận một cửa quận Hà Đông nhận tiền hỗ trợ, chị Trương Thị Thu Hiền (giáo viên Trường Mầm non tư thục Đức Trí, quận Hà Đông) phấn khởi: “Hơn 3 tháng ngừng dạy, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Chồng làm nghề tự do, công việc không đều nên chúng tôi chi tiêu rất tiết kiệm. Nhận được 3.710.000 đồng tiền hỗ trợ tạm ngừng việc và 1.000.000 đồng nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, tôi rất vui. Đây cũng là nguồn động viên lớn đối với gia đình trong thời điểm này”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Sáng (giáo viên Trường Mầm non tư thục Đức Trí, quận Hà Đông) cũng bộc bạch: “Do ảnh hưởng của dịch nên tôi phải nghỉ dạy, cuộc sống đã khó khăn nay càng thêm khó khăn. Khi được thông báo sẽ được nhận tiền hỗ trợ, bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động trước sự quan tâm của Chính phủ và thành phố Hà Nội”./.

Thảo Phạm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích