Vì mục tiêu 12.000 căn nhà ở xã hội
Nhằm đáp ứng nguồn cung cho người dân, ngày 3/4/2023, Chính phủ công bố Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đây là cơ hội sẽ giúp cho những người dân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội mua nhà để yên tâm “an cư lạc nghiệp”.
Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…
Một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đại Lâm – Đại Thịnh, Hà Nội. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN) |
Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 – 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 – 3 khu.
Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.
Dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, giáp vành đai 3, đường Giải Phóng, gần nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn.
Trước đó, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa, nhưng chưa được thực hiện. Đầu năm 2023, thành phố Hà Nội đã chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, việc chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải trải qua rất nhiều thủ tục, cho nên thời gian dự kiến hoàn thiện chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là vào năm 2025.
Một tin vui khác đến với những người thu nhập thấp sống trên địa bàn Thủ đô có nhu cầu cải thiện chỗ ở là mới đây, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố Hà Nội đang thực hiện rất quyết liệt và sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, thành phố Hà Nội mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công xây dựng một số khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025 với khoảng 870.000m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ. Và 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.
Ảnh minh họa. |
Nhà ở xã hội hiện là loại hình chiếm đến 80% nhu cầu của người dân, tuy nhiên trong thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội là việc làm rất cần thiết, cần vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, thành phố Hà Nội đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới. Đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế Công đoàn phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và người lao động.
Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố Hà Nội đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, dự án trên đường Tố Hữu thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đang được thi công và dự kiến sẽ là 1 trong 22 dự án Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2025.
Hiện thành phố Hà Nội cũng đang tính đến việc sẽ xây dựng nhà ở xã hội độc lập dọc Vành đai 4 đang được triển khai để tạo ra một không gian phát triển mới cũng như thuận lợi cho giao thông.
Với sự quyết tâm cao, hiện thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở, phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm cuộc sống, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã giao cơ quan chuyên ngành lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với 2 dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh và đang xem xét 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Dự kiến, 5 dự án khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn vào quỹ nhà ở xã hội của thành phố. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô