Vét sạch túi, ngậm ngùi không đủ tiền mua điện thoại cho con học online

Vét sạch túi, ngậm ngùi không đủ tiền mua điện thoại cho con học online

Dù đã vét hết số tiền dành dụm cuối cùng trong nhà nhưng từng đó vẫn chưa đủ để anh Dem mua chiếc điện thoại cho con học online.

Việc học trực tuyến mùa dịch không chỉ gây ra nhiều khó khăn, vất vả cho cả thầy cô giáo và học sinh mà còn gây ra những áp lực cho phụ huynh.

Mới đây, câu chuyện người cha con gom hết tiền trong nhà, chở con đi quãng đường núi hơn 20km để tìm mua điện thoại cho con học online đã khiến nhiều người không khỏi xót xa, cảm động.

Câu chuyện này được đăng tải trên trang facebook cá nhân của Thiếu tá Đỗ Thành Sự, công an tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

“Từ xã Ba Nam, hai cha con đèo trên xe máy vượt 20km đường núi xuống thị trấn Ba Tơ (huyện miền núi Ba Tơ) tìm mua điện thoại cho con gái học online. Đến một số tiệm bán điện thoại đều lắc đầu, vì số tiền không đủ lấy một cái điện thoại có chức năng học online”, Thiếu tá Sự viết trong bài đăng của mình.

z27721132838579c79cfeaf249c5e5e19644a90b8ad27a-1631940654125

Bài viết của Thiếu tá Đỗ Thành Sự khiến nhiều người xúc động

Theo Thiếu tá Đỗ Thành Sự, người cha đã “vét” hết tiền trong nhà và phải mượn thêm hàng xóm được hơn 1 triệu đồng rồi mới dám chở con xuống thị trấn để mua điện thoại. Nhưng sau một hồi dò hỏi ở các tiệm, hai cha con đều không đủ tiền mua. Khi đến tiệm điện thoại Quốc Hùng, thấy hoàn cảnh tội nghiệp của 2 cha con, ông chủ tiệm đã bán điện thoại smartphone với giá 1,3 triệu – vừa đủ số tiền lẻ cầm trên tay của người cha nghèo. 

Vui mừng vì tìm mua được điện thoại đáp ứng được việc học của con, hai cha con hớn hở lên xe máy quay về nhà ở xã Ba Nam trước khi trời tối.

Anh Lê Quốc Hùng, chủ cửa hàng điện thoại trên cho biết, hai cha con đến tiệm của anh, người cha rút hết số tiền trong ví ra, chỉ có khoảng 1,3 triệu đồng. Trong khi chiếc điện thoại giá rẻ nhất trong cửa hàng cũng lên tới gần 2 triệu. Thấy sự rụt rè, ngượng ngùng của người cha, anh thương nên nhiệt tình tư vấn và giúp đỡ.

“Mình đoán anh đã đi tham khảo nhiều tiệm để mua điện thoại rồi nhưng có lẽ số tiền ấy không đủ. Mình hỏi thì anh cũng ngại ngùng, chắc lo không mua nổi. Thấy hoàn cảnh người ta khổ, lại chất phác nên mình cũng chỉ lấy giá cái điện thoại đó 1,3 triệu thôi, còn lại tặng anh. Mình cũng không rõ hoàn cảnh 2 cha con, vì mua máy xong là về liền. Chỉ biết 2 cha con anh là người dân tộc Hre”, anh Hùng nói.

Trao đổi với PV Gia đình Việt Nam vào ngày 19/9, anh Đinh Văn Dem xác nhận sự việc được anh Hùng hỗ trợ khi mua điện thoại.

“Có điện thoại con bé vui lắm, nó học với cô giáo qua điện thoại được mấy bữa rồi”, anh Dem nói.

Empty

Anh Dem và cô con gái học lớp 7 

Ba Nam là một xã nằm cách xa trung tâm huyện miền núi Ba Tơ. Giống như bao gia đình đồng bào Hre khác, gia đình anh Dem cũng thuộc diện khó khăn.

Nhà có hai cô con gái học lớp 7 và lớp 11. Hàng ngày hai vợ chồng lên núi làm nghề bóc vỏ keo thuê. Mấy tháng nay do dịch bệnh nên công việc ít dần, số tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt.

Năm học mới, anh Dem nghe con thưa cần điện thoại học trực tuyến. Thương con nhưng nhà hết tiền, gom góp hết cũng chỉ còn trên một triệu đồng. Anh dự tính tìm việc làm thuê thêm ít hôm kiếm đủ tiền sẽ đưa con đi mua điện thoại.

Mấy ngày thấy con không có điện thoại để học nên anh Dem đã vét sạch túi được 1,3 triệu đồng đưa con xuống thị trấn tìm mua. Số tiền ít ỏi không đủ mua nhưng may mắn thay anh Dem gặp được chủ tiệm tốt bụng.

“Vợ chồng mình không được đi học nên giờ ráng lo cho con. Các cháu học không giỏi lắm nhưng siêng năng, các thầy cô rất quan tâm đến các cháu. Được vậy là vợ chồng mình mừng rồi”, anh Dem nói.

Ông Phạm Văn Đin – Chủ tịch UBND xã Ba Nam cho biết, ông biết đến câu chuyện này qua mạng xã hội. Anh Dem là người rất cần cù, siêng năng nhưng hoàn cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Hàng ngày anh làm đủ việc để lo cho gia đình, đặc biệt là lo cho hai con ăn học.

“Anh Dem tuy nghèo, lúc trước cũng không được học hành nhiều nhưng anh rất ý thức lo cho các con học tập. Qua câu chuyện này mới thấy được tình cảm của người cha dành cho con, cũng như sự đồng cảm, sẻ chia với người khó khăn của anh chủ tiệm điện thoại”, ông Đin chia sẻ thêm. 

Bạn cũng có thể thích