VECA: Mô hình Grab cho thu mua ve chai

VECA: Mô hình Grab cho thu mua ve chai

MTĐT –  Thứ bảy, 20/08/2022 11:43 (GMT+7)

VECA ra đời vào năm 2019 với ý tưởng bắt nguồn từ chương trình Kế hoạch nhỏ – thường được triển khai trong các nhà trường và đạt được hiệu quả không nhỏ, khi thu được hàng trăm kilogram giấy vụn mỗi đợt.

Giá trị của VECA

Anh nhận thấy còn quá nhiều lãng phí mà ngành phế liệu giấy chưa xử lý triệt để trong quy trình thu mua, xử lý. Người dân chưa có thói quen phân loại rác, hoặc nếu có phân loại rác thì ở công đoạn thu gom vẫn dồn về một mối.Người bán không tìm được người mua nên cuối cùng mang bỏ ra bãi rác. Việc giải quyết những ‘cái khó’ đó sẽ giúp hạn chế rác xả thải ra môi trường, đưa phế liệu trở thành nguyên liệu cho ngành tái chế.

tm-img-alt
VECA đang dần thay đổi thói quen thu mua ve chai của nhiều người bằng tiện ích công nghệ.

Vì thế, một ứng dụng công nghệ được xây dựng, với mô hình tương tự theo kiểu của Grab dành cho ngành thu mua phế liệu. Người thu mua và người bán ve chai sẽ có một ứng dụng riêng. Khi có nhu cầu, người bán lên ứng dụng đặt thời gian, địa điểm và loại ve chai cần bán. Người thu mua nhận đơn và đến nhà thu mua theo đơn giá đã được niêm yết.

‘Chúng tôi quyết định chọn tên VECA là từ viết tắt của ve chai – theo tiếng miền Nam, thay vì dùng từ phế liệu hay rác, nghe thật giống đồ vô giá trị”– anh Bùi Thế Bảo giải thích với Khoa học và Phát triển. Phải hơn một năm sau, ứng dụng mới được đi vào sử dụng. Phần còn lại là làm sao thuyết phục được người thu mua và người bán sử dụng VECA. Các loại ve chai mà VECA thu mua là giấy báo, giấy hồ sơ, giấy thùng, sắt đặc, sắt vụn, sắt tôn, mũ bình, mũ nhựa, nhôm, lon nhôm, vỏ hộp giấy.

“Không thể để chuyện có người bán mà không có người mua hoặc ngược lại. Nghĩa là mọi thứ phải xảy ra đồng thời”- anh Bùi Thế Bảo giải thích.

Với những người bán, VECA có thể sử dụng các phương pháp marketing truyền thống như quảng cáo trên mạng xã hội, các hoạt động giới thiệu ở hội chợ, siêu thị, chung cư, hay chương trình đổi ve chai lấy quà. Nhưng với người thu mua, suốt ngày rong ruổi trên đường, chỉ có thể làm ‘case by case’” hoặc thuyết phục các vựa ve chai giới thiệu ứng dụng tới từng người.

Đội ngũ của VECA xuống đường, tìm đến từng người thu mua, có mặt ở từng vựa ve chai, hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng. Không chỉ để thu nhận đơn, VECA còn hoạt động như một số ghi chép, tính toán thay cho sổ tay truyền thống. Từ giá niêm yết, người bán chỉ cần nhập số lượng từng mặt hàng là ra giá từng đơn. Cuối tháng, họ không cần tính toán cũng có được thống kê số lượng thu mua, lợi nhuận hằng tháng. Từ 1 người sau đó lan ra 5 người, 10 người rồi hàng trăm người khi người dùng thật sự thấy tiện lợi.

Anh Bảo giải thích: “Người dùng không mất gì mà lại nhận được đơn hàng và có những tiện ích khác, đương nhiên họ sẽ dùng. VECA không thu phí cả người dùng và người bán mà chỉ quy định “người đi thu mua phải mặc áo đồng phục của VECA” như một cách lan tỏa thương hiệu”.

Cùng với đó, một đội nhóm những người thu mua phế liệu chuyên nghiệp cũng hình thành. Họ coi đó là nghề chuyên nghiệp để kiếm sống chứ không phải hình ảnh của những người thu mua ve chai ‘vất vơ’ bên vỉa hè như mọi người vẫn thường thấy. Mỗi ngày hàng chục đơn, họ có thể đi xe máy với giỏ chở phía sau đến thu mua rồi đưa về vựa.

Những nhà sáng lập nói rất may mắn khi phát triển ứng dụng này trong bối cảnh, ai cũng có smartphone. Nếu trước đây họ chỉ sử dụng để liên hệ với gia đình thì giờ đây, nó đã được dùng trong công việc.

Sau hơn hai năm triển khai, anh Bùi Thế Bảo tự tin rằng, VECA đang cố gắng làm cho mọi thứ tốt dần lên, để giữ chân người dùng ở cả hai phía. Với nhóm người bán, VECA chứng minh giá trị bằng các chương trình thu góp rác thải nhựa, giấy để góp phần bảo vệ môi trường, minh bạch giá cả và điều chỉnh theo thị trường và có người thu mua nhận đơn ngay khi có đặt hàng.

Hồi cuối năm 2021, VECA đã phối hợp với Tetra Pak thu gom vỏ hộp giấy. Mỗi kilogram vỏ hộp giấy sẽ được đổi điểm và đổi lấy các phần quà là sản phẩm tái chế.

Ngọn lửa nhỏ giữa kỳ vọng lớn

Có mặt tại 12 quận ở TP.HCM, hiện VECA đang có 29.000 lượt tải, khoảng 6,000 giao dịch. Doanh thu của startup này đến từ các chương trình thu hồi bao bì cho nhãn hàng và thu mua ve chai qua các trạm thu gom. Trong đó, phế liệu thu mua, họ bán trực tiếp cho công ty tái chế với mức chênh lệch từ 10-12% trở lên. Anh Bùi Thế Bảo cho biết, với doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng trong sáu tháng qua, VECA vẫn đang chịu lỗ do chi phí vận hành lớn hơn nhiều so với các vựa ve chai hộ gia đình.

“Chúng tôi có chi phí xây dựng ứng dụng, vận hành đội ngũ nhưng startup giai đoạn đầu không lỗ sao được” – anh Bảo nói và cho biết, VECA đã đi gọi vốn với các nhà đầu tư khác ngoài Shark Tank. Là startup hướng tới bảo vệ môi trường, thúc đẩy cho kinh tế tuần hoàn, VECA thích hợp hơn với những quỹ đầu tư tạo tác động xã hội, nghĩa là cân bằng cả yếu tố lợi nhuận lẫn vấn đề môi trường.

“Nhưng chúng tôi cần thành công ở quy mô nhỏ trước, để chứng minh mô hình này là hiệu quả” – nhà sáng lập này nói.

Sau sáu tháng ‘bung lụa’ kể từ đầu năm tới giờ, với lượng khách hàng và ve chai tăng đột biến, VECA đang xây dựng lại vựa mới thay cho hai vựa cũ. Ở giai đoạn đầu, họ đã có những tính toán không đúng về quy mô, nên diện tích nhỏ, không có chỗ để máy ép, máy băm phế liệu. Giờ đây khi số lượng tăng thì cần phải xây dựng vựa mới có diện tích lớn hơn.

Nói về mục tiêu của VECA, anh Bùi Thế Bảo đặt kỳ vọng có thể giảm được 3-5% lượng rác thải có giá trị bị bỏ ra môi trường. Anh giải thích: “VECA chỉ có thể tham gia vào giai đoạn đầu, nghĩa là phân loại rồi đưa cho nhà máy tái chế. Thời điểm này, không chỉ Việt Nam mà thế giới đều đang thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nên điều này là hoàn toàn khả thi. VECA như một đốm lửa nhỏ nhen lên và rất cần các ngọn lửa khác để thay đổi vấn đề này ở Việt Nam như cách mà Thụy Sĩ, Nhật Bản đang làm, xử lý từ 80-90% rác thải”

Để đạt được những mục tiêu đó, anh Bảo biết đang cố gắng làm tốt ở từng khâu. Trước hết với người thu mua ve chai, VECA mang đến cho họ hai điều: Được cân đúng và được tôn trọng. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng điều này theo anh Bảo lại mang tính chất quyết định về sự gắn bó của người thu mua, điều họ không nhận được từ các vựa ve chai nhỏ lẻ, mô hình hộ gia đình.

Anh nói: “VECA có nguyên tắc không được cân thiếu. Ai cân sai là đuổi việc. Người thu mua ve chai đến vựa được tôn trọng được quan tâm hỏi han và được thấy giá trị đóng góp cho cộng đồng, xã hội”. Starup này từ chối mô hình đốt tiền lấy tăng trưởng, như là tăng giá mua cao hơn nhiều so với các vựa khác để thu hút người dùng. Anh tin rằng, là startup hướng tới sự bền vững, cách làm đó hoàn toàn không khả thi.

Mục tiêu có mặt ở ba thành phố lớn không dễ dàng. Dù tầm nhìn và sứ mệnh đẹp đẽ, VECA vẫn đặt ra mục tiêu đạt lợi nhuận trong năm thứ hai, với doanh số khoảng 13 tỷ đồng, và có tỷ lệ thu gom thông qua ứng dụng chiếm hơn 20% tổng khối lượng phế liệu thu gom của một người mua. Để làm được điều này, đội ngũ sáng lập của VECA chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích