Vệ tinh NanoDragon – Thành tựu phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam
(TN&MT) – Sáng 9/11, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam bay vào vũ trụ cùng với 8 vệ tinh khác lúc 9h55’16” (7h55’16” giờ Hà Nội) tại bãi phóng Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, một bước tiến mới của ngành công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, đánh dấu Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có khả năng tự chế tạo vệ tinh.
Nhân dịp vệ tinh Nanodragon được phóng thành công lên vũ trụ, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) xung quanh vấn đề này.
GS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) |
PV: Được biết vệ tinh NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bởi các nhà nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, xin ông cho biết về quá trình hình thành và phát triển vệ tinh “made in Việt Nam” này.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Ý tưởng về sản xuất vệ tinh Nanodragon đã có từ năm 2014. Tiếp đó, trong khoảng 4 năm từ năm 2017-2021, gần 20 nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu đã thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh này.
Vệ tinh NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5mm). Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.”
NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chế tạo. (Ảnh: VAST) |
Quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, do các cán bộ nghiên cứu của VNSC đảm nhận.
Sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng tại Việt Nam, từ ngày 9/3 đến 9/4/2021, vệ tinh đã hoàn thành thử nghiệm môi trường trước phóng tại Trung tâm Thử nghiệm vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản.
Sau khi thử nghiệm tại Nhật Bản, vệ tinh lại quay trở lại Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện. Song song với quá trình phát triển vệ tinh, một trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng đã được phát triển và hoàn thành việc lắp đặt tại VNSC, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện tại, trạm mặt đất đã sẵn sàng hoạt động.
Sau nhiều lần hoãn lại vì những lý do khác nhau như lỗi kỹ thuật hay thời tiết không đảm bảo. Hôm nay (9/11), vệ tinh NanoDragon của Việt Nam bay vào vũ trụ cùng với 8 vệ tinh khác lúc 9h55’16” (7h55’16” giờ Hà Nội) tại bãi phóng Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.
Sau khoảng 52 phút, tên lửa có thể bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vệ tinh đầu tiên được thả ra là vệ tinh RAISE-2. Vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian là NanoDragon.
Sau khi tách thành công, vệ tinh NanoDragon sẽ tách khỏi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.
PV: Trên thực tế, chế tạo vệ tinh là một lĩnh vực công nghệ cao và được coi là “biểu tượng sức mạnh công nghệ” của mỗi quốc gia. Xin ông cho biết, sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ hoạt động và có nhiệm vụ gì, thưa ông?
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Việc phát triển vệ tinh không chỉ có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh – quốc phòng hay chống biến đổi khí hậu. Riêng đối với Việt Nam – một nước có địa hình phức tạp, trải dài và biển rộng, việc có thể tự chế tạo vệ tinh càng cần thiết.
Vệ tinh sẽ giúp Việt Nam quản lý hiệu quả dữ liệu, từ đó phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, quản lý rừng cũng như giúp quản lý rừng, biến đổi khí hậu, giám sát các hoạt động về an ninh-quốc phòng như quản lý biên giới, xây dựng nền tảng khoa học cơ bản của quốc gia.
Vào lúc 9h55 sáng nay (theo giờ địa phương), tên lửa Epsilon số 5 đã được phóng thành công tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) |
Với trọng lượng khoảng 4kg, NanoDragon có hai nhiệm vụ chính, là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để phục vụ quá trình xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo và tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Cùng với đó, vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. NanoDragon sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km.
PV: Việc phóng thành công vệ tinh Nanodragon là một bước tiến mới của ngành công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, đánh dấu Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có khả năng tự chế tạo vệ tinh. Trong tương lai, VNSC sẽ có kế hoạch gì trong việc phát triển, chế tạo các vệ tinh “make in Việt Nam” lớn hơn?
PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Hiện nay, Việt Nam đã chế tạo 3 loại vệ tinh là PicoDragon (dưới 1kg), NanoDragon (dưới 10kg) và MicroDragon (dưới 100kg). Với vệ tinh PicoDragon, chỉ cần bay lên, phát được tín hiệu khẳng định vệ tinh đã hoạt động là đã hoàn thành nhiệm vụ. Vệ tinh MicroDragon có hai nhiệm vụ là thử nghiệm công nghệ và đào tạo đội ngũ để làm chủ công nghệ vệ tinh. Vệ tinh NanoDragon có hai nhiệm vụ là senser phát tín hiệu tự động nhận dạng tàu biển và điều chỉnh tư thế vệ tinh trên quỹ đạo.
Mỗi tàu đi trên biển đều phát tín hiệu chứa thông tin chủng loại, kích thước tàu. Hiện Việt Nam chỉ có các trạm đo nhận tín hiệu đặt ven biển, nhưng không có vệ tinh. Khi công nghệ này thành công, chúng ta có thể phóng nhiều vệ tinh để liên tục cập nhật tín hiệu từ các tàu biển trong vùng biển của Việt Nam.
NanoDragon được thiết kế hoạt động tối thiểu 6 tháng trong quỹ đạo, nhưng theo tính toán của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thì vệ tinh có thể hoạt động đến 2 năm.
Cùng với đó, Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ hoàn thành vào năm 2023. Khi hạ tầng kỹ thuật tại đây hoàn thành, Việt Nam sẽ làm vệ tinh lớn hơn. Sẽ có một trung tâm lắp ráp, thử nghiệm vệ tinh lên đến 200 kg. Với các vệ tinh nhỏ như NanoDragon sẽ không phải đưa sang Nhật Bản để thử nghiệm như hiện nay mà có thể thực hiện được trong nước.
Bên cạnh đó, trong Chiến lược Phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam đến năm 2030, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia sẽ thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống quan sát Trái Đất quốc gia bằng vệ tinh nhỏ. Công việc xây dựng, thiết kế chùm vệ tinh này sẽ do đội ngũ các kỹ sư Việt Nam thực hiện.
Tôi tin rằng Việt Nam sẽ đạt những bước tiến xa hơn, thành công hơn nữa trên con đường chính phục không gian, dự kiến vệ tinh LotuSat-1 của Việt Nam sẽ được phóng lên không gian vào năm 2023. Đây là vệ tinh cỡ lớn tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam không chỉ trong phát triển kinh tế, khoa học công mệ mà còn đóng góp cho nền an ninh quốc phòng của đất nước.
Tôi cũng kỳ vọng các dữ liệu vệ tinh thu thập được sẽ được ứng dụng vào phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, nông nghiệp, quản lý rừng cũng như biến đổi khí hậu, giảm sát các hoạt động về an ninh – quốc phòng như quản lý biến giới, xây dựng nền tảng khoa học cơ bản quốc gia. Đặc biệt, sự vượt trội về khả năng cung cấp thông tin dữ liệu đặc thù của hệ thống vệ tinh vũ trụ sẽ giúp phục vụ hiệu quả cho các dự án của các thành phần kinh tế như quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng khu công nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!