Về thăm chùa cổ Kiên Lao – Sùng Phúc tự

Hòa thượng Thích Thiện Tri cùng các đệ tử trong Ban Hộ tự chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định – Ảnh  chụp lại: Hồ Thanh.

Qua văn bia, minh chuông, lời kể của người dân địa phương, chúng tôi được biết: Chốn Tổ Kiên Lao – Sùng Phúc tự là trung tâm tín ngưỡng của cả vùng quê Xuân Kiên, Xuân Tiến của trấn Sơm Nam hạ trước đây. Chùa làng Kiên Lao đã song song cùng Thiên Chúa giáo nuôi dưỡng niềm tin của người dân suốt hơn 400 năm. Căn cứ vào hệ thống văn bia lưu giữ, Sùng Phúc tự đã được xây dựng bề thế, quy mô vào đầu thế kỷ XVII theo lối kiến trúc nội công, ngoại quốc. Ngày nay ngôi chùa này đã được xây dựng tường bao xung quanh toàn bộ khuôn viên. Các hạng mục công trình của chùa gồm: Tam quan, Thượng điện, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu Vườn Tháp, hệ thống kinh sách và các công trình phụ trợ. Hiện chùa còn lưu giữ được 7 tòa tháp cổ chứa xá lợi các vị tăng tu, xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Thượng điện chùa Sùng Phúc, tháp chuông, tam quan, nhà Tổ có kiến trúc xây dựng tinh xảo, đẹp mắt, trang nghiêm. Năm 1980 khi Hòa thượng Thích Thiện Tri được bổ nhiệm làm trụ trì chùa, từ năm 1982 đến nay, trụ trì chùa đã cho trùng tu, xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình, trong đó có nhà  Tổ đường, giảng đường dạy chữ Hán, lễ nghi.

Cổng chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) – Ảnh: Hồ Thanh

Hiện nay khu di tích nghệ thuật – lịch sử – cách mạng chùa Kiên Lao đã trở  thành chốn tùng lâm hoành tráng, trang nghiêm, rộng rãi. Sùng Phúc tự hiện có 17 tấm bia đá, 2 chuông đồng, lịch sử ngôi chùa được xác định thông qua tư liệu văn bia. Ngoài quả chuông đồng 4 mặt chữ, có 9 tấm bia được khắc hai mặt chữ, 8 tấm khắc một  mặt chữ. Trong số 17 tấm bia có 2 tấm được tạo tác vào triều nhà Lê, 10 tấm có niên đại triều Nguyễn, 5 tấm không ghi niên đại. Như vậy, các văn bia, minh chuông tại chùa Kiên Lao đều phân bổ trong hai triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn. Trong số này có 2 văn bia vào năm Hoàng Định thứ 17 (1616), Cảnh Trị thứ 8 (1670) của triều Lê Trung Hưng, còn lại là triều Nguyễn và không ghi niên đại. Riêng bia Long Hoa hội ký cho biết chùa được xây dựng vào năm Hoằng Định thứ 17. Với số lượng 17 văn bia, hai chuông, tổng số 39 mặt bia có thác bản trải dài từ thời nhà Lê tới cuối thời Nguyễn trong suốt gần 400 năm đủ để thấy được truyền thống lịch sử, địa lý, giáo dục, tín ngưỡng của làng Kiên Lao. Dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, chùa vẫn luôn được sư trụ trì, tín đồ phật tử và người dân một lòng tâm huyết gìn giữ, lưu tâm công đức, ủng hộ và gửi gắm niềm tin.

 Một góc khuôn viên nhà chùa – Ảnh: Hồ Thanh

Trưởng Ban Hộ tự Vũ Thị Quế (pháp danh Diệu Quyên) năm nay 65 tuổi, là Hội trưởng Hội Phật tử chùa Kiên Lao cho biết: Sùng Phúc tự hiện có hơn 1.500 phật tử tại hai làng Xuân Kiên, Xuân Tiến của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hàng tháng, cứ đến ngày mùng 1, ngày rằm hoặc ngày tế lễ, mùa đức phật các tín đồ phật tử đều tụ hội về đây thành tâm dâng lễ. Hàng ngày Ban Hộ tự thường xuyên thay nhau túc trực, “thay hoa, lọc nước”, thắp hương, phục vụ chu đáo việc hành lễ tại chùa của người dân. Hàng năm Hội phật tử đều mở các lớp tu hành, các khóa tu, thu hút rất đông các phạt tử trẻ theo ông bà, bố mẹ học tụng kinh, niệm phật. Có thể nói mọi hoạt động tín ngưỡng đều do người dân, phật tử tự nguyện chung tay chăm lo, dưới sự chỉ bảo chu đáo của sư trụ trì. Ban Hộ tự của chùa duy trì thành nền nếp việc lau chùi, quét dọn, thay hoa lọc nước, tuần tiết lễ nghi; tự mình mua sắm quần áo, trang phục, tập luyện lễ nghi, các tiết mục văn nghệ. Nhân dân địa phương cũng như đệ tử đều hân hoan, kiên trì bền bỉ, gắn bó với các hoạt động tại chùa, thiền môn hưng thịnh khai mở hội thuyết pháp tu trì. Thực hiện phương châm “Đắc thời, đắc địa, đắc nhân tâm” chúng môn đồ, phật tử chùa Kiên Lao ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức lan tỏa muôn phương.

Trưởng ban Hộ tự chùa Kiên Lao – Sùng Phúc tự Vũ Thị Quế (người đứng thứ ba bên phải) cùng các thành viên Ban Hộ tự nhà chùa – Ảnh: Hồ Thanh

Chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy thầy tăng Thích Minh Châu bị bệnh suy thận 12 năm nay hiện đang được Hội phật tử tận tình chăm sóc ngay tại chùa. Thầy tăng này phải chạy thận ba buổi mỗi tuần, mỗi tháng mỗi năm tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức đều được sư trụ trì và Hội phật tử nhà chùa chung sức lo toan. Quả thực là một việc làm thiện nguyện hết lòng, nhất là trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19, không có sự chu cấp, hỗ trợ nào ngoài sự nỗ lực gắng sức của nhà chùa. Trưởng ban Hộ tự Vũ Thị Quế bộc bạch: “Năm phòng chống đại dịch Covid-19, có tháng mở két, nhà chùa không đủ tiền để nộp tiền điện sinh hoạt. Nhưng việc tuần tiết lễ nghi và chữa bệnh cho thầy tăng bị suy thận thì vẫn là ưu tiên số 1”.

Khu vườn Tháp chùa Kiên Lao – Ảnh: Hồ Thanh

Năm 2021, chư tăng – phật tử chùa Kiên Lao đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Xuân Trường tặng Giấy khen vì thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân giai đoạn 2016-2021. Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường đã tặng Giấy khen cho sư trụ trì Thích Thiện Tri vì đã có thành tích trong phong trào “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tại đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ XV năm 2022, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tấn phong Thượng tọa Thích Thiện Tri, trụ trì chùa Kiên Lao lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng. Ngày mùng 7 tháng 5 năm 2023, tăng ni phật tử, chư tôn tịnh đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Đại lễ tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng cho sư trụ trì Thích Thiện Tri. Đây là niềm vinh dự, sự ghi nhận lớn nhất không chỉ dành riêng cho Hòa thượng Thích Thiện Tri mà còn là mong ước, tâm huyết, gắn bó của hơn 1.500 phật tử và người dân địa phương. Sự kiện tri ân công đức người thầy vừa được tấn phong Hòa thượng đúng dịp kỷ niệm mừng thọ 75 năm gắn với kỷ niệm 40 năm ngày thụ Đại giới xuất gia tu hành của sư trụ trì chùa Kiên Lao – Sùng Phúc tự Thích Thiện Tri thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “báo tứ trọng ân” với Tam bảo của các tầng lớp, thế hệ phật tử và nhân dân vùng quê “Đất học”.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích