Về tay chủ mới, Sông Đà 1.01 sẵn sàng bứt phá
CTCP Sông Đà 1.01 (mã: SJC) vừa có thông báo về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 31/12 tới đây nhằm thông qua việc thay đổi điều lệ, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Đến nay, Sông Đà 1.01 vẫn chưa công khai danh sách cổ đông tham dự, cũng như chưa công khai danh sách ứng cử viên của HĐQT, Ban Kiểm soát mới. Tuy nhiên, trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này đã xuất hiện 2 cổ đông lớn cá nhân mới nắm giữ tới 48% cổ phần. Đây là tín hiệu rất rõ ràng về việc Sông Đà 1.01 sẽ thay máu” cả về sở hữu lẫn quản trị doanh nghiệp.
Cốt lõi vững vàng
Khi nhắc đến Sông Đà 1.01 người ta đều biết đến đây là chủ đầu tư của nhiều chung cư có tiếng tại Hà Nội như chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê, Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (Tên trước là Eco Green Tower); và đáng chú ý nhất phải kể đến Tòa cao ốc Hanoi Landmark 51 được đánh giá là tòa nhà cao thứ 3 Thủ đô chỉ sau Keangnam Landmark 71 và Lotte Tower tại thời điểm đó.
Hanoi Landmark 51 sở hữu vị trí được xem là tương đối đắc địa, dự án có 688 căn hộ, quy mô 1 tháp 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng thương mại, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng bể bơi, 43 tầng căn hộ và 4 tầng hầm. Ra mắt rầm rộ vào cuối tháng 11/2015, dự án được các đơn vị phân phối quảng bá “đẳng cấp, chất lượng, uy tín” và do chủ đầu tư có thương hiệu triển khai.
Tuy nhiên, vì một vài lý do khách quan cũng như chủ quan, dự án không thể tiếp tiệp triển khai. Đỉnh điểm, đến tháng 9/2018, đơn vị tài trợ vốn cho dự án – PVCombank HÓ đã quyết định thu giữ tài sản đảm bảo do chủ đầu tư mất khả năng thanh toán.
Mặc dù đang rơi vào khó khăn nhưng có một thực tế là, để sở hữu được lượng tài sản bất động sản lớn như Sông Đà 1.01 thì nếu không phải là một thương hiệu có uy tín lớn thì khó có một doanh nghiệp nhỏ nào có thể làm được.
Theo một lãnh đạo của Sông Đà 1.01, vấn đề của công ty hiện nay chỉ nằm ở vấn đề dòng tiền, do nhiều năm kinh doanh không ổn định khiến nợ vay tăng nhanh, khó tiếp cận nguồn vốn mới nên không thể tiếp tục phát triển dự án.
“Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua. Rồi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng…, cũng là những yếu tố dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này cho biết.
Đồng quan điểm về những khó khăn mà khối doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt , ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình trạng lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, giá cổ phiếu sụt giảm, thậm chí có nhiều đơn vị đã phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”…để cố gắng tồn tại.
Sẵn sàng bứt phá nhờ M&A
Trước những khó khăn chung về nguồn vốn, bên cạnh “kêu cứu” thì nhiều doanh nghiệp cũng phải tìm cách tự cứu mình, trong đó hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang được ưu tiên.
Trong khi đó, theo quy luật cung cầu, khi thị trường thiếu vắng nguồn cung, khan hiếm quỹ đất sạch có vị trí đẹp để phát triển dự án thì nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cũng ưa thích M&A để làm sống lại những dự án “trùm mền”.
Thực tế cho thấy, nhiều năm trước, ở các đô thị lớn, có khá nhiều dự án từng bị dừng thi công hàng chục năm , nhưng chính nhờ sự chuyển giao đã biến thành những khu dân cư hiện đại.
Có thể kể đến như Khu phức hợp Lacasta (Quận 7, TP.HCM) của Công ty Bất động sản Vạn Phát Hưng đã từng được liệt kê vào danh sách các dự án “chết lâm sàng” hàng chục năm nhưng qua “bàn tay” của An Gia Investment đã trở thành các dự án Angia Riverside và Angia Skyline bán 90% trên tổng số 800 căn hộ chỉ trong vòng vài tháng.
Câu chuyện tương tự đã diễn ra tại The Garden và River City, Moonlight Park View, Moonlight Residences, Sky Center, Melody Residences, Richmond City, SaigonMia, Lavita Garden, 9 View Apartment, Florita, 91 Phạm Văn Hai…
Theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, M&A là thương vụ của những doanh nghiệp chuyên nghiệp với nhau. Khi tiến hành M&A, hai bên sẽ tính toán về khả năng phục hồi dự án, khai thác dự án, vị thế của hai bên. Điều đáng lo nhất trong các thương vụ này là những dự bị dừng lâu năm sẽ rất kén người mua nên chủ đầu tư mới phải có thực lực, tạo ra những giá trị mới cho dự án.
Quay trở lại với thương vụ có khả năng “được” mua lại của Sông Đà 1.01, nếu thực sự được “sang tay” cho một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản, cùng với những kinh nghiệm cũng như lượng hàng tồn kho sẵn sàng để bán Sông Đà 1.01 hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn tồn tại nhiều năm qua, sẵn sàng tạo đà để bứt phá.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu