Về dự án trùng tu Chùa Cầu – Hội An
Về dự án trùng tu Chùa Cầu – Hội An
Gần đây dư luận xã hội, trên các trang báo điện tử và mạng xã hội có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về dự án trùng tu Chùa Cầu – Hội An sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Về vấn đề này, tôi xin có vài ý kiến trao đổi như sau:
1. Nền của lòng cầu cong hay gấp khúc?
Có thể trong quá khứ đã từng có một giai đoạn lòng cầu của Chùa Cầu là dạng cầu cong đều. Đây là dạng kỹ thuật phổ biến của thức kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu) đã từng phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, ta còn bảo tồn được trên dưới 10 chiếc cầu như vậy, ví dụ như: Cầu ngói Thượng Nông (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); hai cây Cầu ngói tên là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên ở Chùa Thầy (TP. Hà Nội), Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế)… Kỹ thuật lòng cầu cong còn tìm thấy ở trường hợp cây cầu Nihonbashi (Tokyo, Nhật Bản). Tồn tại qua thời gian đã qua nhiều lần được trùng tu nên lòng cầu của Chùa Cầu ở Hội An đã được tôn tạo lại theo kiểu cong gấp khúc như hiện nay (giống với trường hợp Cầu Ngói Thanh Toàn ở Huế).
Thời điểm lòng cầu được tu sửa lại theo kiểu cong gấp khúc cũng là một giai đoạn lịch sử của di sản kiến trúc đó, nó vẫn có giá trị văn hoá lịch sử, giá trị sử dụng tương đương như dạng lòng cầu cong ở thời điểm trước đó. Vì vậy, khi trùng tu công trình Chùa Cầu, các chuyên gia và các KTS bảo tồn đã chọn giải pháp giữ lại cấu trúc lòng cầu cong gấp khúc là hợp lý (vì có đầy đủ bằng chứng hình ảnh và kỹ thuật, và chí ít nó cũng đã từng tồn tại trong suốt quá trình lịch sử từ khi được cải tạo cho đến thời điểm trùng tu hạ giải). Còn đối với giải pháp lòng cầu cong, tuy có bằng chứng hình ảnh (ảnh tư liệu cũ) nhưng lại thiếu cơ sở kỹ thuật (tức là các dấu tích hoặc các yếu tố cấu thành gốc của dạng thức lòng cầu cong còn được bảo lưu ở công trình). Do đó, sự lựa chọn giải pháp trùng tu trong trường hợp này là hợp lý. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây chính là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay.
2. Diện mạo của Chùa Cầu sau khi trùng tu “kém phần cổ kính”?
Đây là hệ quả tất nhiên của giải pháp trùng tu hạ giải toàn phần. Vì khi muốn hạ giải toàn bộ hệ khung gỗ và để tu bổ cấu trúc mố cầu bên dưới, trước tiên người ta phải hạ giải toàn bộ cấu trúc hệ mái lợp (bao gồm ngói lợp, bờ nóc, bờ quyết và các chi tiết trang trí trên đó). Hệ mái được lợp bằng ngói mộc (không tráng men), bờ nóc, bờ quyết chặn ngói và các hoạ tiết trang trí mái được làm bằng vôi vữa, qua thời gian tồn tại đã bị vôi hoá mủn mục nặng, màu sắc tô điểm bề mặt các hoạ tiết trang trí đã bị phòng hoá làm mất màu, nên cấu trúc hệ mái sẽ không thể tái sử dụng được (None-Reusable), buộc người ta phải làm mới cấu trúc này theo mẫu hình cũ trước đó. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “Tái thể hiện” (Representation).
Đối với cấu trúc hệ khung gỗ thì đã hoàn toàn bảo tồn được tối đa các cấu kiện nguyên gốc, các KTS bảo tồn chỉ dùng biện pháp thay thế (Replacement) những cấu kiện đã mục hỏng không còn khả năng chịu lực. Màu sơn của hệ khung gỗ cũng được bảo tồn theo nguyên trạng (chỉ được đánh chùi, làm vệ sinh khoa học và bảo quản chống mối mọt). Như vậy, hệ khung gỗ và phần mố cầu là những cấu trúc được bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc theo Điều 34 của Luật Di sản Việt Nam (Số: 28/2001/QH10) và tinh thần của các công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hoá như: Công ước Venice (Italy, 1964), Công ước Nara (Japan, 1994), và Công ước Burra (Australia, 1999).
Như vậy, ý kiến nhận định cho là “kém phần cổ kính” chỉ đúng với phần hệ mái. Tuy nhiên, đây lại là điều bất khả kháng trong công tác trùng tu di sản kiến trúc, nhất là đối với giải pháp trùng tu hạ giải toàn phần (để giải quyết triệt để các vấn đề kỹ thuật gặp phải của công trình kiến trúc gỗ đã tồn tại hàng trăm năm). Hơn nữa, chỉ cần khoảng 5 năm sau, toàn bộ phần mái này sẽ lại cũ kỹ “cổ kính” như xưa.
Đối với phần màu sắc, gam màu, cường độ màu và sắc độ là những khái niệm khác nhau nên sẽ tạo hiệu quả thẩm mỹ khác nhau khi đánh giá nhìn nhận. Nếu so sánh sắc độ của các hoạ tiết trang trí hệ mái, lan can thành cầu và phần tường của hai nhà đầu cầu với các bức ảnh đen trắng chụp Chùa Cầu vào những năm đầu thế kỷ 20 thì có sự chênh nhau về độ đậm nhạt (sắc độ), vì vậy cần nghiên cứu điều chỉnh lại cho hợp lý.
3. Về hội chứng “Ký ức lịch sử” trong sự thụ cảm giá trị di sản văn hoá – lịch sử
Trong một bài hát, nhạc sĩ Thanh Tùng có câu “Lối cũ ta về, dường như nhỏ lại …”. Có lẽ “hội chứng” ký ức lịch sử này đã tạo nên sự phản ứng nhất thời của xã hội ngay sau khi công trình di sản được trùng tu xong đưa vào khai thác sử dụng.
Quý cư dân sống lâu năm ở Hội An, và quý du khách đã từng đến Hội An trước đó luôn lưu dấu hình ảnh cổ kính, rêu phong của kiến trúc Chùa Cầu với niềm yêu dấu, ngưỡng mộ và tôn kính. Đó là nỗi niềm chân chính và quý giá biết dường nào. Cũng tương tự như vậy, khi trùng tu phục hồi các ngôi Đình làng ở miền Bắc (tuy các KTS bảo tồn đã căn cứ vào dấu tích đường kính cột còn in hằn trên những viên đá tán nguyên gốc để phục hồi kích thước đường kính cột), nhưng các cụ Lão niên vẫn luôn có ý kiến cho rằng là các cây cột của Đình làng ta sao nhỏ vậy, “Chúng tôi nhớ rằng khi chúng tôi còn bé đến đây chơi, 3-4 đứa vòng tay nhau mới ôm hết cây cột”. Vấn đề là “khi chúng tôi còn bé” và bây giờ các cụ đã lớn, vòng tay và sự cảm nhận kích thước của các cụ, những người trưởng thành, khác với với chính họ thời thơ ấu.
Tôi rất tâm đắc với sự khái quát hoá đỉnh cao hiện tượng “mới và cũ”, “cổ kính và diêm dúa” của di sản kiến trúc sau khi trùng tu bởi lời nhận xét của GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính vào những năm 1998-2000: Trùng tu di sản kiến trúc là “làm cho ông già khoẻ nên chứ không phải làm cho ông già trẻ ra”. Di sản kiến trúc tồn tại trên 100 năm đã là “ông già èo ọp”, ý nói đến là đích đến của công tác trùng tu di sản kiến trúc là duy trì sự tồn tại vật lý cho “ông già” ấy, nhưng không được làm cho “ông già” ấy trẻ ra. Điều này sẽ đúng trong một vài trường hợp cụ thể.
Đối với di sản kiến trúc bằng gạch đá (có sức bền vật liệu cao) thì điều đó là hiển nhiên đúng. Tuy nhiên, đối với di sản kiến trúc bằng gỗ thì quan điểm này chưa toàn diện và cần làm rõ một vài điểm chính yếu sau đây.
Chính vì sự “chưa toàn diện” của các văn bản khung quốc tế như: Công ước Venice (Italy, 1964), Công ước Burra (Australia, 1999) mà chỉ chủ yếu đề cập đến đối tượng di sản là kiến trúc gạch đá và các khu di tích khảo cổ học, nên Công ước Nara (Japan, 1994) đã làm rõ, phân biệt khái niệm “Giá trị chân xác” (Authentic value) và “Giá trị nguyên gốc” – (Original value). Từ đó, Công ước Nara đã trở thành nền tảng lý luận, khung pháp lý quốc tế vững chắc để các hạng mục công trình di sản kiến trúc được tái thiết thuộc quần thể di sản Hoàng cung Nara (the Nara Palace Site) lần lượt được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1996 đến nay, và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Theo đó, giá trị “nguyên gốc” bao gồm giá trị “chân xác”, nhưng giá trị chân xác lại không nhất thiết phải bao hàm giá trị nguyên gốc. Từ đó thế giới đã bắt đầu nhận ra và đã chính thức công nhận một trường phái bảo tồn mới mang đậm bản sắc Á Đông là “Always authentics, always renewable” (Luôn luôn chân xác, luôn luôn có thể mới) thông qua việc phê chuẩn Công ước Nara 1994 là công ước quốc tế, có giá trị áp dụng trên toàn cầu nếu xét thấy có sự tương đồng về văn hoá và nguồn gốc kỹ thuật.
Chùa Cầu được Hoàng đế Minh Mạng đặt tên là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa cây cầu của người từ xa đến làm nên (cụ thể là người Nhật), sau đó người “Minh Hương” Trung Quốc theo phong trào “phản Thanh phục Minh” thay chân người Nhật đến buôn bán với các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (Cochin-China), đã làm thêm phần hậu cung để thờ một vị tướng của người Trung Hoa là “Bắc Đế Trấn Võ” thể theo nguyện ước của người Minh Hương lúc đó. Vì có kèm thêm chức năng thờ cúng phát sinh sau này nên có thêm tên gọi Chùa Cầu nổi tiếng được sử dụng cho đến ngày nay.
Xét theo nghĩa đó, sự “kém phần cổ kính” hay “sự mới ra” của Chùa Cầu sau khi trùng tu là hiện tượng không có gì lạ. Hơn nữa, thứ nhất, Chùa Cầu nguyên thuỷ do người Nhật làm nên, người Trung Hoa tiếp nối, người Việt Nam thừa kế, cả 3 quốc gia này đều là các nước đồng văn châu Á (đã từng sử dụng chữ Hán làm chữ viết chung), có cùng nguồn gốc văn minh và văn hoá nên tất nhiên là có cùng nguồn gốc kỹ thuật kiến trúc. Vì vậy, trong trường hợp này, áp dụng công ước Nara (Japan, 1994) vào công việc trùng tu Chùa Cầu là hoàn toàn khả thi và hợp lý, bên cạnh việc tham khảo các văn bản khung quốc tế khác như công ước Venice (Italy, 1964), và công ước Burra (Australia, 1999) như đã đề cập ở trên.
TS.KTS. Lê Vĩnh An
Đại học Công nghiệp TP HCM
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị