Vẻ đẹp tinh tế của căn biệt thự được ví như “bảo tàng”
Căn biệt thự đặc biệt này có diện tích 640m2, do KTS. Nguyễn Xuân Tùng là trưởng nhóm thiết kế. Chủ nhà có 4 người con đều đi du học và mong muốn có một chốn bình yên để lưu giữ tất cả những kỷ niệm về gia đình. Bên cạnh đó, nơi này phải đáp ứng tất cả các yêu cầu chức năng như thư viện, thang máy, tầng hầm, phòng chiếu phim…
Xuất phát từ yêu cầu này, nhóm kiến trúc sư phát triển ý tưởng thiết kế dựa trên những từ khóa chính là “Á Đông” và “Nơi trưng bày”. Sở dĩ kiến trúc sư và gia chủ chọn phong cách Á Đông – pha trộn giữa đương đại và hiện đại là để các thế hệ con cháu trong gia đình sau này cảm thấy thoải mái và dễ dàng hòa nhập với không gian nhà hơn.
Sau khi đã có ý tưởng cốt lõi, gia chủ đã giao toàn bộ việc thiết kế cho kiến trúc sư và để nhóm thỏa sức sáng tạo trong cả việc bố trí không gian và thẩm mỹ. Chủ căn biệt thực tin rằng, các kiến trúc sư giỏi là những người biết cách kể câu chuyện của họ bằng ngôn ngữ kiến trúc một cách uyển chuyển, khéo léo và chính xác nhất. Và sự lựa chọn này đã mang lại kết quả không thể tốt hơn.
Các phòng kết nối với nhau một cách tự nhiên mà không cần tường ngăn cho phép mọi người thoát khỏi cảm giác bí bách thường thấy ở nhiều căn nhà. Điểm nhấn của căn biệt thự là một hồ nước yên bình nằm ở vị trí trung tâm, mang lại cảm giác khoan khoái cho các thành viên ngay khi bước vào nhà.
Mọi thành viên trong gia đình đều thích đọc sách và mong muốn có một thư viện. Thay vì thiết kế phòng đọc nhỏ hẹp, các kiến trúc sư đã biến hành lang tầng 3 thành một thư viện khổng lồ cho cả gia đình.
Có 3 vật liệu chính được sử dụng cho căn biệt thự này là đá, kim loại và gỗ. Những vật liệu này được thể hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, tạo nên một không gian tối giản nhưng vô cùng tinh tế, sang trọng. Theo các kiến trúc sư, những vật liệu này không chỉ bền mà theo thời gian, chúng càng toát lên vẻ đẹp cổ kính, không hề bị lỗi thời. Đó là lý do tại sao những vật liệu hiện đại hiếm khi được sử dụng trong căn biệt thự ấn tượng này./.