Vật liệu xây dựng mong qua cơn “mất mùa”

“Chợ chiều” vật liệu xây dựng

Những đợt nắng nóng mùa hè như càng khiến không khí trở nên ngột ngạt hơn với những người kinh doanh vật liệu xây dựng. Tại Hà Nội, trên các con phố như Hoàng Quốc Việt, Đê La Thành, Cát Linh, Đại Mỗ…, trong hơn một tháng qua, nhiều chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đứng ngồi không yên vì vắng khách.

Anh Tuấn, chủ cửa hàng kinh doanh sắt, thép, xi măng, gạch, đá… trên đường Đại Mỗ chia sẻ, chỉ vài tháng trước người tới mua hàng còn tấp nập, nhưng nay rất vắng khách. “Khách hàng chủ yếu là khách lẻ chứ không còn mối công trình như trước, doanh thu cửa hàng hiện đã giảm tới gần 50% so với thời điểm cuối năm 2020 – đầu năm 2021 nên không đủ chi cho nhân công và lãi vay ngân hàng”, anh Tuấn rầu rĩ nói.

Những cửa hàng vật liệu xây dựng vắng khách trên phố Đại Mỗ
Những cửa hàng vật liệu xây dựng vắng khách trên phố Đại Mỗ. Ảnh: Việt Dương

Trên thị trường, giá sắt thép tăng đột biến 40 – 50%, còn xi măng, gạch các loại, cát đá, kính xây dựng, tôn lợp mái… cũng tăng giá từ 10 – 30% khiến khách hàng phải tính lại việc xây sửa nhà cửa. Nhiều chủ thầu cũng thông báo tạm hoãn kế hoạch nhập vật liệu xây dựng khối lượng lớn khi các chủ nhà thay đổi kế hoạch xây dựng vì giá đầu vào tăng cao.

“Các cửa hàng vẫn phải nhập giá đầu vào cao từ các nhà sản xuất, trong khi đầu ra bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng cũng đang phải hoãn kế hoạch nhập hàng từ các nhà máy khi chưa thanh lý được hàng tồn kho”, chủ một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Quốc Việt cho hay.

Tương tự, cảnh “chợ chiều” cũng diễn ra tại các cửa hàng kinh doanh gạch ốp lát, gạch trang trí, thiết bị vệ sinh… trên các con phố Cát Linh, An Trạch… Nhiều chủ cửa hàng cho biết, số lượng khách hàng lớn đến đặt hàng giảm mạnh, mà chỉ có lác đác khách hàng đơn lẻ đến mua hàng phục vụ việc sửa chữa nhà cửa.

Anh Trung Đức, kiến trúc sư kiêm nhiệm vai trò chủ thầu xây dựng nhà ở tư nhân ở Cầu Giấy cho hay, giá cả vật liệu xây dựng leo thang kéo chi phí xây dựng tăng 2 – 3 lần khiến nhiều chủ nhà không còn mặn mà với kế hoạch xây mới hoặc sửa chữa tổng thể vào thời điểm hiện tại. Các hợp đồng dù không bị hủy hoàn toàn, nhưng kế hoạch bị lùi sang cuối quý III/2021, một phần vì chủ nhà muốn giá cả ổn định hơn, phần khác muốn đợi qua tháng Ngâu (mùa mưa) mới triển khai trở lại.

Bản thân anh Đức cũng vừa phải hủy hợp đồng xây dựng căn nhà 100m2, quy mô 5 tầng ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc, bởi sau khi tính toán lại giá vật liệu xây dựng nhập vào thời điểm này, mức giá xây đưa ra ban ban đầu (từ tháng 2/2021) là 10 triệu đồng/m2 sàn còn không đủ tiền nguyên vật liệu, chứ chưa tính tới chi phí nhân công.

Trên thực tế, dù chưa chính thức công bố, nhưng theo khảo sát nhanh của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sức tiêu thụ của thị trường vật liệu xây dựng sau vài tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng, đã có xu hướng sụt giảm từ cuối tháng 5/2021. Nhu cầu trên thị trường hiện không còn lớn vì đang bước vào mùa mưa, trong khi giá vật liệu xây dựng vẫn neo ở mức cao… khiến các đại lý đều nhập hàng cầm chừng để tránh tồn kho lớn.

Không chỉ nhóm kinh doanh, việc thị trường sụt giảm lượng tiêu thụ cũng phản ánh vào nhóm các nhà sản xuất. Đơn cử, sau khi đạt đỉnh vào tháng 3/2021 cùng thời điểm giá thép lên cao, sản lượng bán thép của Hòa Phát đã tiên tục giảm trong 3 tháng tiếp theo. Trong tháng 6/2021, sản lượng thép tiêu thụ của Hòa Phát chỉ đạt 230.000 tấn, giảm hơn 50% so với mức đỉnh tháng 3/2021 là hơn 480.000 tấn.

Tình trạng sụt giảm sản lượng tiêu thụ cũng diễn ra với nhiều nhà sản xuất thép lớn khác như VNSteel, Vina Kyoei, Pomina, Formosa… Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng bán hàng tháng 6/2021 chỉ đạt 655.046 tấn, giảm 31,36% so với tháng 5 và giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức sản lượng bán ra thấp nhất của tháng 6 trong 5 năm trở lại đây. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều công trình dân dụng tạm thời hoãn lại cũng gây sức ép lên doanh số bán hàng của các “nhà thép” này.

Vật liệu xây dựng mong qua cơn mất mùa

Khó đoán định

Kết quả điều tra thị trường của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, trong tổng số 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng, có 48,6% doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất – kinh doanh quý II/2021 khó khăn hơn quý I, trong khi 34,1% doanh nghiệp nhận định tình hình vẫn ổn định và 17,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình thuận lợi hơn.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong quý II/2021, hoạt động kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng chịu tác động mạnh bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Bên cạnh đó, từ đầu năm, việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép, đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng. Trong bổi cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và giá vật liệu xây dựng chưa ổn định như hiện nay, khả năng sớm hồi phục của ngành không được đánh giá cao.

Dự báo của nhóm doanh nghiệp xây dựng được khảo sát trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 49,6% doanh nghiệp cho rằng chi phí nguyên vật liệu sẽ tiếp tục tăng; 33,1% đánh giá không đổi và 17,3% dự báo giảm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc giá vật liệu xây dựng bị đẩy lên quá cao không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xây dựng, mà còn “tác động ngược” trở lại tới chính các doanh nghiệp sản xuất.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xi măng, gạch ốp lát và kính xây dựng là 3 mặt hàng được xếp vào danh mục “báo động đỏ” khi đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Tính đến nay, tổng số dây chuyền xi măng trên cả nước đã đạt con số 85 dây chuyền với tổng công suất sản xuất lên tới hơn 100 triệu tấn/năm, cao hơn đáng kể so với mức tiêu thụ trong nước là 62 triệu tấn/năm.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thị trường tiêu thụ nội địa đã chững lại khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu tuy thuận lợi nhưng thiếu bền vững, hiệu quả giảm sút. Hiện nay, Trung Quốc và Philippines là thị trường tiêu thụ chính của ngành xi măng trong nước, nhưng sẽ rất rủi ro nếu quá phụ thuộc vào 2 thị trường này, bởi khi họ điều chỉnh sản lượng nhập khẩu, các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ trở tay không kịp.

Với gạch ốp lát, ngành hàng này đang gặp khó ngay trên sân nhà khi hàng ngoại đổ bộ ồ ạt nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, giá cả. Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, hiện nay, sản phẩm gạch ốp lát Việt Nam xuất sang các nước trong khối ASEAN đều phải xin giấy phép “con” chứng nhận chất lượng của từng nước, trong khi gạch ngoại thoải mái nhập về thị trường trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa.

Tính đến nay, tổng công suất đầu tư của 3 ngành hàng xi măng, gạch ốp lát và kính xây dựng đã tiệm cận mục tiêu năm 2025 theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Trước thực tế này, các doanh nghiệp đã phải cạnh tranh bằng mọi giá để bán hàng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Với hiện trạng của ngành xi măng, gạch ốp lát và kính xây dựng hiện nay, tại cuộc làm việc mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh yêu cầu các địa phương phải cân nhắc kỹ lưỡng khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất các ngành hàng này, tránh việc đầu tư tràn lan dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đặc biệt với lĩnh vực xi măng, phải thực hiện theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hạn chế việc đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các thành phố lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực có cảnh quan thiên nhiên…

“Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích