Vật liệu thay thế nhựa: Còn nhiều chông gai
Vật liệu thay thế nhựa: Còn nhiều chông gai
Chiếc tem dán chỉ to bằng đồng xu mà ta bóc khỏi quả kiwi ngày hôm qua có thể tồn tại thêm hàng trăm năm nữa, và làm đất đai ô nhiễm. Cấm thì khó, nhưng thay thế cũng chẳng dễ.
Những chiếc tem dán bằng nhựa, gọi là PLU (viết tắt của Product Look Up – tra cứu sản phẩm) đã trở thành một phần quan trọng của nền nông nghiệp hiện đại. Chúng truyền đạt cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết về nguồn gốc, xuất xứ và phẩm chất của nông sản.
Giống như vô số bao bì nhựa khác, tem dán không dễ tái chế, mà được thiết kế để bị vứt bỏ ngay sau khi mua, rồi tích tụ suốt trăm năm. Những thứ không được đưa vào bãi rác sẽ trôi dạt ngoài môi trường, thường gây tắc nghẽn sông ngòi và đại dương. Đến cuối cùng, chúng phân hủy thành các hạt vi nhựa cực nhỏ bé, làm ô nhiễm không khí, nước uống và dòng máu của chúng ta. Ngoài ra, ngành sản xuất nhựa, với 98% trong số đó có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, chịu trách nhiệm cho khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Có thể thay thế nhựa không? Ngày nay, chúng ta đã có dao, muỗng, nĩa nhựa tự phân hủy sinh học, giấy gói hàng có thể ủ thành phân compost, hay chai nhựa có nguồn gốc từ thực vật… Nhưng việc sản xuất các vật liệu này còn hạn chế, đắt đỏ hơn nhựa truyền thống, và vẫn chưa rõ liệu chúng có thực sự tốt lành hơn cho sức khỏe con người và hành tinh hay không. Chúng cũng cần chất phụ gia độc hại để trở nên không thấm nước, dẻo dai và bền màu. Thậm chí, chén, đĩa, ly bằng giấy thường phải có thêm lớp màng nhựa để không bị rò rỉ!
Không có giải pháp đơn lẻ
Trên thực tế, nguồn cung của các vật liệu thay thế nhựa trên toàn cầu là không đủ để thế chỗ cho lượng nhựa sử dụng một lần hiện nay, và có thể đó là một điều tốt, theo Paula Luu, thuộc Công ty Closed Loop Partners (Mỹ) chuyên đầu tư vào kinh tế tuần hoàn. Bởi vì, tiềm năng của các giải pháp thay thế nhựa sẽ không thành hiện thực nếu thiếu đi việc nâng cấp hệ thống thu gom rác thải, nghiên cứu khoa học và chính sách phù hợp.
Tương lai của nhựa, cũng như vai trò của nhựa sinh học, đang được đàm phán để xây dựng một hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt nạn ô nhiễm nhựa – một loại “Hiệp định Khí hậu Paris” nhưng dành cho ngành nhựa. Các lựa chọn được đưa ra bao gồm: tăng công suất tái chế, tăng thuế đối với nhà sản xuất, cắt giảm sản lượng nhựa nguyên sinh trên toàn cầu – chủ yếu thông qua việc giảm các sản phẩm nhựa dùng một lần. Việc đàm phán dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2024.
Xin lấy nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần của Pháp vào năm 2022 làm ví dụ. Nước này đã cấm tất cả tem dán PLU bằng nhựa. Tuy nhiên, niềm vui của các nhà bảo vệ môi trường sớm trở thành nỗi buồn của các nhà nhập khẩu! Trong một thị trường toàn cầu hóa, sản phẩm đến từ mọi nơi trên thế giới, vì thế lệnh cấm tem dán nhựa của Pháp chỉ thực sự có tác dụng nếu như mọi quốc gia khác cũng làm như vậy.
Nhưng, một lệnh cấm toàn cầu đối với loại tem dán nhựa truyền thống sẽ tạo ra khác biệt chứ? Nó chắc chắn sẽ thúc đẩy việc sản xuất ra các loại tem dán có thể phân hủy với giá thấp hơn bây giờ. Tuy nhiên, nếu không có mối liên kết rộng rãi với các cơ sở sản xuất phân bón, hầu hết các tem dán “thân thiện” này sẽ lại vào bãi rác, tiềm ẩn nguy cơ phát thải cao hơn loại nhựa truyền thống. Trong một cơ sở sản xuất phân compost, vi khuẩn sử dụng oxy để phân hủy vật liệu hữu cơ thành carbon. Còn trong môi trường ít oxy của bãi rác, việc phân hủy sẽ tạo ra khí methane – một loại khí nhà kính có thể giữ nhiệt gấp 25 lần khí carbonic.
Các thuật ngữ “biodegradable” (có thể phân hủy sinh học) và “compostable” (có thể phân hủy) thường bị hiểu sai rằng chúng sẽ tan thành hư vô trong môi trường tự nhiên, vốn là một điều hiếm khi xảy ra. Để đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản về khả năng phân hủy, một tem PLU hoặc một chiếc nĩa phải phân hủy đến 90% thành các hợp chất carbon, trong vòng sáu đến 24 tháng, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát cẩn thận. Nhưng nếu bạn ném một chiếc nĩa “sinh học” ra vườn, nó có thể sẽ ở đó dài lâu như cái nĩa nhựa thông thường, tức là hàng trăm đến hàng ngàn năm.
Trong một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Plymouth (Anh), nhóm nghiên cứu đã thử chôn các túi nhựa “có thể phân hủy” trong đất hoặc ngâm trong nước biển. Ba năm trôi qua, một số túi vẫn còn nguyên vẹn, đến mức có thể đựng đầy hàng hóa.
“Nhựa chay” chưa chắc đã hay
Khi thêm “giải pháp” nhựa có nguồn gốc thực vật vào bài toán nhựa hiện nay, chúng ta gặp nhiều vấn đề hơn. Polyethylene terephthalate, loại nhựa PET mang ký hiệu số 1 mà ta thấy trên chai nước suối, thường được chiết xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng, nó cũng có thể được sản xuất từ thực vật, thông qua một quy trình tương tự như việc biến ngô thành cồn ethanol. Hai phiên bản nhựa – từ thực vật và từ hóa thạch – ở cấp độ phân tử thì giống hệt nhau, và cùng tồn tại rất lâu trong môi trường. Như PET truyền thống, phiên bản PET “chay” có thể tái chế được.
Tuy nhiên, khi người tiêu dùng nhìn thấy tấm nhãn ghi rằng “nhựa có nguồn gốc từ thực vật”, cứ hai người Mỹ thì sẽ có một người nói, “Ồ, cái này thuộc về thùng ủ phân”, Paula Luu cho biết. Công ty của cô đã khảo sát thái độ của người dân Mỹ đối với các lựa chọn thay thế nhựa. Nói cách khác, người tiêu dùng cứ tưởng đang làm điều hay, ngay cả khi một nửa trong số họ đặt nhầm chỗ cho chai nhựa PET có nguồn gốc thực vật.
“Nếu chúng ta không dán nhãn và thiết kế đúng đắn, chúng ta có thể tạo ra vấn đề cho cả ngành tái chế và ngành phân compost”, Luu nói.
Có một giải pháp không gây hoang mang, rối rắm nữa, là yêu cầu tất cả bao bì nhựa dẻo (chẳng hạn như giấy gói bánh sandwich, túi zip, bao nylon) phải vào thùng ủ phân, theo Daphna Nissenbaum, Giám đốc Điều hành và Đồng sáng lập của TIPA Corp. Công ty đa quốc gia này sở hữu công nghệ để tạo ra bao bì “có thể phân hủy” cho mọi thứ hàng hóa, từ quần áo đến bánh kẹo.
“Nó sẽ trực quan. Nếu dẻo, thì vào thùng compost với vỏ chuối”, cô này nói. Ngược lại, bao bì cứng, như chai soda hoặc hộp sữa chua, thì chuyển sang tái chế.
Vấn đề duy nhất là sản phẩm của TIPA – cũng giống như nhiều sản phẩm có thể phân hủy khác – vẫn được sản xuất một phần từ nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, một sản phẩm nhựa từ thực vật 100%, có thể phân hủy 100% là chuyện khả thi về kỹ thuật, nhưng đắt đỏ hơn nhiều, và không phải lúc nào cũng phục vụ tốt, đặc biệt khi gặp các thực phẩm có tính axit, hoặc chất lỏng, hoặc cần lưu trữ lâu dài.
Đồ dùng không bằng cách dùng
Chỉ trông chờ vào công nghệ tốt hơn là chưa đủ, theo Christina Dixon của Environmental Investigation Agency (Cơ quan Điều tra Môi trường). Để giải quyết vấn đề nhựa, chúng ta phải nhìn xa hơn những sản phẩm thay thế, và suy nghĩ lại về thói quen “dùng một lần”.
Chúng ta cần tạo ra các hệ thống tuần hoàn: hàng hóa có thể tái sử dụng lâu dài, thay vì đi theo con đường một chiều từ sản xuất đến tiêu dùng, rồi thải bỏ.
(Lược dịch và chuyển ngữ bài “The Dirty Secret of Alternative Plastics” của tác giả Aryn Baker, tạp chí Time, ngày 28-11-2023.)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị