VASEP: Doanh nghiệp thủy sản muốn được lựa chọn hình thức kiểm dịch

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh và có thể duy trì, phát triển sản xuất xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổng hợp vướng mắc của doanh nghiệp kiến nghị một số nội dung.

Cụ thể, liên quan đến các vướng mắc về kiểm dịch trong khi chưa sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan (Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2016/TTBNNPTNT và Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), cần có chỉ đạo, hướng dẫn để cho phép doanh nghiệp tùy theo điều kiện thực tế được lựa chọn hình thức kiểm dịch (kiểm tra nhập khẩu) giữa hai hình thức: Kiểm dịch tại kho của doanh nghiệp hoặc kiểm dịch tại cảng rồi mang hàng về kho bảo quản chờ thông quan.

VASEP: Doanh nghiệp thủy sản muốn được lựa chọn hình thức kiểm dịch
Doanh nghiệp thủy sản muốn được lựa chọn hình thức kiểm dịch (kiểm tra nhập khẩu) giữa kiểm dịch tại kho hoặc tại cảng.

Bên cạnh đó, VASEP kiến nghị, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 và cải cách hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường việc kiểm tra kịp thời lô hàng nhập khẩu cho doanh nghiệp theo hình thức mà doanh nghiệp chọn: Kiểm dịch tại kho hoặc kiểm dịch tại cảng.

Trước đó, VASEP đã từng kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét không đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật/sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y (trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh). Các sản phẩm chế biến ở trên chỉ chịu kiểm soát theo quy định của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

VASEP nhấn mạnh rằng, nhiều sản phẩm chế biến từ động vật/sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch (theo Luật Thú y) là chưa phù hợp. Việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như Dự thảo là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện nay.

Bên cạnh kiến nghị về việc áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm thay vì kiểm dịch như hiện nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mong muốn, các thủ tục liên quan được hoàn chỉnh trên hệ thống 1 cửa quốc gia thay vì 2 cửa, vừa nộp trên hệ thống 1 cửa, vừa nộp hồ sơ giấy như hiện nay, để tháo gỡ được những khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh nhiều năm qua mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP chưa giải quyết được.

VASEP: Doanh nghiệp thủy sản muốn được lựa chọn hình thức kiểm dịch
Ảnh minh họa

Được biết trong 10 năm qua (2010-2020), Bộ NN&PTNT đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản gồm: Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 2/2/2010 của Bộ NNPTNT, sau đó được thay thế bởi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016; TT26/2016 được sửa đổi, bổ sung một phần bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/10/2019.

Nhưng theo VASEP, càng về sau “danh mục hàng thuỷ sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn. Từ năm 2010-2020, cùng với việc thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, thì càng về sau “danh mục hàng thuỷ sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Cũng theo VASEP, giai đoạn 2015-2020, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, đa phần có quyết nghị phân công Bộ NN&PTNT về “cải cách, cắt giảm kiểm dịch thuỷ sản đông lạnh”. Nhưng chính giai đoạn này, Bộ NN&PTNT lại liên tiếp sửa đổi, bổ sung nội dung các thông tư: TT26/2016 thay thế bằng TT06/2010; TT36/2018 thay thế TT26/2016. Theo đó, hàng hoá thủy sản NK (đặc biệt là hàng thủy sản chế biến (đông lạnh, khô, đồ hộp…) và/hoặc được “liệt kê” là có nguy cơ cao phải kiểm dịch tăng lên. Điều này đặt ra một câu hỏi về kết quả “cải cách và cắt giảm” theo như tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Bộ NN&PTNT như thế nào?

Trong 10 năm này, ngoài việc gia tăng danh mục hàng thuỷ sản chế biến phải kiểm dịch (bệnh), thì còn có bất cập lớn nữa là chưa phân biệt được các chỉ tiêu về “dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm” khi mà sản phẩm là thực phẩm dùng cho người. Hầu hết các chỉ tiêu vi sinh đang quy định tại TT26/2016 và TT36/2018 đều là các chỉ tiêu ATTP là tác nhân gây bệnh cho người khi ăn phải, chứ không phải là các chỉ tiêu dịch bệnh – tác nhân làm lây lan dịch bệnh cho đối tượng thuỷ sản/động vật nuôi. Nói cách khác, là có sự đánh tráo khái niệm, trùng lắp nội dung và khiến quy mô hàng hoá và đối tượng chịu điều chỉnh là quá mức cần thiết.

 

H.Anh

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích