VARISME tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp Nhật Bản
Vừa qua, nhận lời mời của Công ty TNHH Tư vấn và Nghiên cứu môi trường JNK – công ty liên doanh được thành lập từ KANSO Co., Ltd và JAPAN NUS Co., Ltd (thuộc Nhật Bản), Ban Lãnh đạo VARISME cùng các chuyên gia khoa học của Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị trực thuộc VARISME) và đại điện một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội tham gia trao đổi, hợp tác về dự án “Nghiên cứu khả thi việc sử dụng nhiệt sinh khối (rơm rạ) tại các tỉnh phía Nam”.
Về phía công ty JNK có sự tham gia của ông Yoshiyouki Fujii – Tổng Giám đốc Công ty JNK; ông Phạm Anh Tuấn – chuyên gia môi trường và bà Nguyễn Thị Bích Vân – thư ký và tư vấn viên Công ty JNK.
Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch VARISME Nguyễn Ngọc Quang cho biết: “Hiệp hội rất quan tâm đến vấn đề xử lý, thu gom rơm rạ ứng dụng vào nhiệt sinh khối, đồng thời sẵn sàng cung cấp và đưa ra các thông tin cần thiết cho nghiên cứu của Công ty JNK.”
Đại diện Công ty JNK cho biết: trong dự án lần này, JNK mong muốn có những thông tin cụ thể về tình hình thu gom rơm rạ phía Nam trong đó chú trọng vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tình hình sản xuất lúa gạo phía Nam, từ đó tư vấn cho Tập đoàn Điện lực Kansai theo 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: xây dựng báo cáo khả thi tình hình sử dụng rơm rạ;
– Giai đoạn 2: đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén từ rơm rạ phát điện hoặc sử dụng nồi hơi.
Là nước sản xuất lúa gạo lớn thứ 5 thế giới, do đó, hàng năm, tại Việt Nam, một lượng lớn phế thải rơm rạ đã được tạo ra trong quá trình sản xuất lúa gạo. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm nước ta sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa gạo với lượng rơm phát sinh vào khoảng 47 triệu tấn. Trong khối lượng rơm khổng lồ ấy chỉ có khoảng 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây….
Riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa số 1 cả nước, sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 24 triệu tấn, tạo ra khoảng 26 – 27 triệu tấn rơm rạ. Trong đó, chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ được thu gom sử dụng, 70% còn lại được xử lý bằng cách đốt trên đồng và vùi vào đất.
Việc xử lý phế thải rơm rạ đang gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong đó số lượng rơm được đốt ngay tại hiện trường sau mỗi mùa thu hoạch đang là vấn đề nhức nhối trong các hệ thống canh tác lúa thâm canh hiện nay. Việc làm này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, cản trở giao thông…
Công ty JNK với mong muốn sử dụng những công nghệ và kinh nghiệm sẵn có liên quan đến môi trường và năng lượng đã đưa ra dự án “Nghiên cứu khả thi việc sử dụng nhiệt sinh khối (rơm rạ) tại các tỉnh phía Nam” nhằm khắc phục thực trạng đốt rơm rạ tại miền Nam nói riêng và trên cả nước nói chung.
Trao đổi và thảo luận về dự án, các chuyên gia khoa học của Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra những thông tin cần thiết đóng góp cho việc nghiên cứu, xây dựng dự án. Đặc biệt là các thông tin, số liệu quan trọng về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam và tình hình thu gom rơm rạ cùng các đối tượng liên quan đến sản phẩm rơm rạ.
Các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ hơn về một số vấn đề trong dự án và yêu cầu Công ty JNK đưa ra thông tin chi tiết về nội dung khảo sát ở giai đoạn 1 và các tham số cần Hiệp hội hỗ trợ và hình thức hợp tác với VARISME để góp phần xây dựng dự án một cách hiệu quả.
Trước những đóng góp, chia sẻ từ phía Hiệp hội và Viện nghiên cứu trực thuộc Hiệp hội, Yoshiyouki Fujii – Tổng Giám đốc Công ty JNK gửi lời cảm ơn và mong rằng, sau cuộc trao đổi ngày hôm nay, các bên sẽ có thêm nhiều buổi làm việc để nghiên cứu kỹ hơn. Bên cạnh đó, JNK cũng mong muốn hợp tác với VARISME để phát triển sản phẩm này đưa vào sử dụng một cách hiệu quả nhất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Biomass hay sinh khối là các phế phẩm từ nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp…), phế phẩm lâm nghiệp (lá khô, vụn gỗ…), giấy vụn, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm… để làm nhiên liệu sản sinh ra điện và nhiệt. Sinh khối là nguồn nhiên liệu tái tạo có vai trò to lớn trong việc giải quyết tình trạng khủng hoảng năng lượng đang cấp bách hiện nay trên thế giới. Việc sử dụng sinh khối trong sản xuất nhiệt và điện giúp giảm việc phát thải carbon dioxide (CO2), từ đó bảo vệ môi trường và hạn chế sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu