VARISME đồng hành cùng người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi số nông nghiệp
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị
VARISME với sứ mệnh đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học đã luôn có những đóng góp, phản biện khoa học, hiến kế chính sách cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chính phủ để mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp, nông thôn.
VARISME xác định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT), vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để CĐCCCT, vật nuôi thành công, VARISME xác định ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu. Đây là yếu tố quan trọng quyết định việc tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho sản xuất nông nghiệp. Những kiến nghị của VARISME tới Chính phủ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích đất trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. VARISME đã làm cầu nối giữa các viện nghiên cứu, các nhà khoa học tới các đơn vị sản xuất nông nghiệp, đưa nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được thị trường đón nhận. Rất nhiều cây trồng, vật nuôi từ những kết nối ban đầu của VARISME sau này đã hình thành được một số vùng chuyên canh, nuôi trồng tập trung quy mô lớn.
VARISME đã có nhiều kiến nghị với Bộ NN&PTNT, các tỉnh thành phố có tiềm năng, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hàng loạt các nhóm giải pháp, như: rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể thực hiện CĐCCCT theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bằng các hoạt động đóng góp cho CĐCCCT, vật nuôi, VARISME đã góp phần chuyên môn của Hiệp hội trong việc đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu. Rất nhiều địa phương thực hiện theo các kiến nghị của VARISME về luân canh cây trồng, vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa hạn chế sâu bệnh. Từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân. Từng bước hình thành và góp phần tăng cường sự liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (Varisme) nhận định: “Công tác CĐCCCT, vật nuôi vẫn còn những điểm nghẽn. Việc chuyển đổi đa phần của các tỉnh/thành vẫn thực hiện nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn; nhiều sản phẩm chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu; sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn chưa thông suốt. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít.
Năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ của nông dân hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn hoặc CĐCCCT còn khó khăn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp còn thiếu và yếu”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (VARISME) chia sẻ: “Ngành nông nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ công nghệ, khoa học kỹ thuật xuống tận cơ sở, vì hầu hết trang trại và khu trồng cấy đều ở các vùng nông thôn, nơi mà các phương tiện truyền tải thông tin còn hạn chế.
Người nông dân cần có người hướng dẫn trực tiếp, cầm tay chỉ việc, có như vậy mới hiệu quả. Chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ nông dân tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn ưu tiên thì người dân mới mạnh dạn đầu tư triển khai công nghệ mới, giống cây trồng mới phù hợp với từng vùng miền. Về chăn nuôi hỗ trợ giống mới chất lượng cao, ít dịch bệnh và phối hợp hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm, công nghệ chế biến sâu cho các sản phẩm.
Ngành nông nghiệp cần có giải pháp thực tế, đồng bộ (giống – phân bón – chăm sóc – thu hái – chế biến – bảo quản – tiêu thụ…) đảm bảo xanh – sạch – organic – thân thiện môi trường. Định hướng – quy hoạch vùng nguyên liệu – các giống cây trồng phải được lựa chọn để mang đến hiệu quả kép và thân thiện môi trường tiến tới kinh tế tuần hoàn để đáp ứng được kỳ vọng như Tổng Bí thư đã nói: “Nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế nước nhà”.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp được xem là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong công cuộc chuyển đổi số.
Bộ NN&PTNT Việt Nam xác định chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp khoa học công nghệ và đặc biệt là của người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức vì hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; nguồn nhân lực chuyên môn để chuyển đổi số còn hạn chế.
Tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” ngày 14/5 mới đây do Bộ NN&PTNT chủ trì, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (Varisme) có một nhận xét được rất nhiều đại biểu tán đồng: “Mặc dù chuyển đổi số trong nông nghiệp có nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam lại có lợi thế với tỷ lệ nông dân sử dụng internet hằng ngày khá cao. Đây là một trong những lợi thế giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất, tiếp cận thông tin mới về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, canh tác…
Những người nông dân thành thục sử dụng internet chính là những hạt nhân, nhân tố để đưa những ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, quy trình canh tác. Những ứng dụng số giúp việc sản xuất nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đồng thời giúp nông dân gia tăng giá trị hàng hóa ra thị trường”.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch VARISME, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng khẳng định: “Chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm bớt được nhiều gánh nặng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi cả quá trình giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông mới nhất, công nghệ mới nhất, quá trình lập kế hoạch, giám sát sản xuất với sự trợ giúp của giải pháp phần mềm như ERP, MES, PLM, Robotic. Chuyển đổi số sẽ dẫn dắt nông nghiệp công nghệ cao triển khai được nhanh nhất các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trên các cánh đồng…” .
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu