Vào rừng, ra biển Cà Mau check-in hấp dẫn

(Xây dựng) – Nói đến Cà Mau du khách thường nghĩ đến vùng đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc mà ai là người Việt đều mong muốn một lần đặt chân đến đó. Nơi đó có những cánh rừng bạt ngàn hơn 100.000ha rừng tràm, rừng đước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu Ramsar thế giới, nơi đó có biển để du khách trải nghiệm khám phá, check-in…

Vào rừng, ra biển Cà Mau check-in hấp dẫn
Rừng, biển Đất Mũi Cà Mau.

Du khách đến Cà Mau mà chưa vào rừng xem như chưa biết đến Cà Mau. Bởi Cà Mau có những cánh rừng đước xanh cao vút, rừng tràm bát ngát với tổng diện tích hơn 100.000ha. Cà Mau với nhiều tiềm năng lợi thế là hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt, bạt ngàn rừng đước, bát ngát rừng tràm là tài nguyên du lịch sinh thái vô giá ít nơi nào có được. Theo các chuyên gia du lịch, Cà Mau có nhiều lợi thế, dư địa để đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng, biển, trải nghiệm, ẩm thực thủy hải sản, du lịch đường biển…

Cà Mau ẩn chứa biết bao giai thoại, khác biệt hơn tất cả nơi khác là nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Đó là dãy rừng ven biển ngập mặn, ngập lợ, cả rừng tràm nằm sâu trong đất liền tạo nên hệ sinh thái động thực vật phong phú. Đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đan xen giữa những rừng cây là những dòng sông uốn lượn. Dưới tán rừng là những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên, với nhiều loại chim muông quý hiếm… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái vô cùng độc đáo và hấp dẫn.

Vào rừng, ra biển Cà Mau check-in hấp dẫn
Bãi bồi Cà Mau.

Nhà báo Vũ Thống Nhất cho rằng, U Minh Hạ một “Đất rừng phương Nam” mang dáng vẻ mới, sức sống mới nhưng vẫn vẹn nguyên kỳ thú đã hiện ra. U Minh Hạ được biết đến là vùng đất nhiều huyền thoại. Ngày trước, rừng tràm nguyên sinh mênh mông, trải dài tít tắp, che kín chân trời; có những gốc cây tràm một người ôm không giáp. Ban đầu, dân khai thác mật ong và sáp ong (nghề phong ngạn). Rồi tiếp đó là khai thác gỗ. Đến khi không còn cây rừng to nữa, chỉ có cây tạp thì đốt rừng lấy đất làm ruộng. Cả vùng đất rộng lớn này tuy ít đất ruộng, vườn nhưng chằng chịt sông rạch, đầm, lầy, láng, trũng… Có người còn thấy cả “đường tượng” (đường voi đi) thành vệt. Vô rừng U Minh mà quên thưởng thức sản phẩm từ ong coi như mới đến “cửa rừng”. Sản phẩm sau khi “ăn ong” là mứt ong và tàn ong non. Hãy thử một lần ăn ong non chấm mật tươi vừa được người thợ cắt xuống. Mứt ong sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ cho khách thưởng thức, phần thì vắt lấy mật. Ong non được người dân bản địa chế biến thành nhiều món ăn ngon như: Mắm ong, ong non lăn bột chiên giòn, xào, nấu cháo, lẩu, nướng lá chuối… nhưng “đậm đà khó quên”…

Du khách có dịp vào rừng thì hãy ra biển Cà Mau để check-in khám phá “Đất Mũi”. Du khách đến “Đất Mũi” ngày càng nhiều bởi không chỉ “Nghe nói Cà Mau xa lắm. Ở cuối cùng bản đồ bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới. Về để nói với nhau mấy lời” (trích: Áo mới Cà Mau), mà muốn đến tận trời Nam Tổ quốc để khám phá và trải nghiệm rừng đước Phương Nam và cuộc sống người dân xứ biển Cà Mau. Nơi đó có những rừng đước bạt ngàn thẳng tắp, xanh mượt mát mắt như bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà cố nhà thơ Xuân Diệu đã từng ca ngợi: “Những dòng sông rộng hơn ngàn thước. Trùng điệp một màu xanh lá đước. Đước thân cao vút, rễ ngang mình. Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước! Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau…”.

Đến Đất Mũi Cà Mau, du khách không chỉ xuyên qua những rừng đước để thả hồn và hít thở không khí trong lành của Khu sinh quyển thế giới, gió biển, ngắm mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây trên biển mà còn dịp chụp ảnh lưu niệm khi đến đây. Hầu như đoàn du khách nào đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau đều đến cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 và biểu tượng tiểu cảnh pano hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi, để chụp ảnh lưu niệm. Giữa trưa nắng biển chói chang nhưng các đoàn tranh nhau chụp ảnh. Một nữ du khách của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nói với các thành viên trong đoàn: “Có mấy dịp mình đến được Đất Mũi Cà Mau. Bây giờ, mình đến được đây thì chụp ảnh cho đã…”.

Không chỉ khám phá tham quan mà du khách đến Đất Mũi Cà Mau có thể đi xuyên rừng đước bằng ghe máy, ghe chèo, trải nghiệm một ngày làm nông dân Đất Mũi. Nơi đây, đã có du lịch cộng đồng, homestay để du khách có thể lưu trú và trải nghiệm cùng người dân xổ vuông bắt tôm, câu cua, câu cá, mò sò, bắt vọp…, cùng ăn nghỉ với gia đình để hiểu thêm đời sống văn hóa của cư dân Đất Mũi. Người dân Đất Mũi “bật mí” cho biết, Đất Mũi Cà Mau có nhiều hải vị của miền biển ban tặng. Nơi đây, có nhiều món ngon như ốc len xào dừa, ba khía rang me, cá dứa kho tộ, cá bóp nấu chua cơm mẻ, cá nâu kho trái giác, cá thòi lòi nướng muối ớt… vừa ăn vừa lai rai với rượu trái giác được mệnh danh là “vang Cà Mau” và nghe đờn ca tài tử thì thật khó quên. Hãy về Cà Mau để được tham quan trải nghiệm khám phá “rừng vàng, biển bạc”…

Vào rừng, ra biển Cà Mau check-in hấp dẫn
Nhiều du khách Hà Nội thích trải nghiệm khám phá rừng U Minh Hạ.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, ưu tiên thu hút các dự án du lịch quy mô lớn, có tính chiến lược. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết phát triển du lịch biển đảo với các địa phương ven biển, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau “An toàn – thân thiện – uy tín – chất lượng”. Với những nỗ lực của chính quyền, cùng nỗ lực góp sức của doanh nghiệp, hy vọng một ngày không xa Cà Mau sẽ là điểm đến hấp dẫn vùng đất cuối Tổ quốc, của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích