Văn khấn cúng rằm tháng 7 năm 2024 cúng gia tiên và thần linh
Văn khấn cúng rằm tháng 7 năm 2024 cúng gia tiên và thần linh
Lễ cúng gia tiên và thần linh vào ngày rằm tháng 7 là nghi lễ quan trọng, đây là dịp để gia đình tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong sự phù hộ từ các vị thần linh.
Văn khấn rằm tháng 7 năm Giáp Thìn cúng Thần linh và Thổ công
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con xin kính lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con xin kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con xin kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần. Con xin kính lạy ngài Tiền hậu, Địa chủ, Tài thần. Con xin kính lạy các Tôn thần đang cai quản trong khu vực này.
Gia chủ (chúng) con tên là … hiện đang ngụ tại …
Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thìn, gia chủ (chúng) con chân thành sửa soạn hương hoa, kim ngân, trà, thắp nén nhang thơm dâng lên trước án.
Gia chủ (chúng) con xin kính mời ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh thành hoàng chư vị Đại Vương, Long mạch Tôn thần, ngài Bản gia Thổ địa, các ngài Ngũ thổ, Ngũ phương, Táo phủ Thần quân, Phúc đức chính thần và các ngài Tôn thần đang cai quản trong khu vực này.
Con xin các ngài nghe thấu lời mời xót thương gia chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù độ hộ trì chúng con luôn luôn bình an, công việc suôn sẻ, sở nguyện tòng tâm, sở cầu tất ứng, tâm đạo mở mang.
Chúng con chuẩn bị lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin các ngài phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Văn khấn gia tiên vào ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thìn
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con xin kính lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con xin kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con xin kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần. Con xin kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ).
Gia chủ (chúng) con tên là … hiện đang ngụ tại …
Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thìn, gia chủ (chúng) con nhờ ơn Trời Đất, cù lao tiên tổ, chư vị Tôn thần, chân thành sắm lễ, hoa trà, hương, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời: Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản gia Táo quân, ngài Bản xứ Thần linh, Thổ địa, Tài thần, Ngũ phương, Long mạch. Cúi xin các vị giáng lâm trước án, chứng giám cho lòng thành của chúng con, thụ hưởng lễ vật.
Gia chủ con xin chân thành kính mời các cụ Tổ tỷ, Tổ khảo và chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng hiện về, chứng giám cho lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Gia chủ (chúng) con xin kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ đang ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng phù hộ cho gia đình chúng con gặt hái được nhiều thành công, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin các vị phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Cúng rằm tháng 7 giờ nào tốt?
Khi cúng rằm tháng 7, bạn cần lưu ý các khung giờ tốt, sắp xếp nghi lễ cúng thành tâm để bày tỏ lòng thành với Phật, tổ tiên. Khoảng thời gian gia chủ có thể chọn để dâng lễ: 7h – 9h, 9h – 11h và 13h – 15h.
Một số ngày khác cũng đẹp và có thể thực hiện cúng Rằm tháng 7 gồm:
Ngày 11/7 âm lịch (tức 14/8 dương lịch), với các khung giờ: 7h – 9h, 9h – 11h và 15h – 17h.
Ngày 12/7 âm lịch (tức 15/8 dương lịch), với các khung giờ: 7h – 9h và 13h – 15h.
Ngày 13/7 âm lịch (tức 16/8 dương lịch), với các khung giờ 5h – 7h và chiều từ 15h -17h, 17h – 19h. Tuy nhiên, người có năm sinh âm lịch tận cùng là số 6 như 1946, 1956, 1966, 1976, 1986, 1996, 2006, 2016 không thích hợp để cúng bái.
Ngày 14/7 âm lịch (tức 17/8 dương lịch) với các khung giờ: 5h – 7h, 9h – 11h và 15h-17h
Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ thường gồm mâm cúng Phật (với gia đình Phật tử), mâm cúng gia tiên và mâm cúng cô hồn, nhưng có thể tùy điều kiện và quan điểm mà từng gia đình để điều chỉnh. Nhiều nhà chỉ làm 2 mâm, mâm trong nhà dành cúng gia tiên, thần linh và mâm ngoài trời cúng chúng sinh, cô hồn.
Mâm cúng Phật
Rằm tháng 7 là ngày lễ lớn đối với những người theo đạo Phật, do đó việc chuẩn bị mâm cỗ là không thể thiếu. Mâm cỗ cúng Phật không cần quá cầu kỳ, điều quan trọng là lòng thành kính của gia chủ. Bạn hãy dâng lên ban thờ Phật một mâm cúng chay hoặc đĩa trái cây tươi là đủ để thể hiện sự tôn kính. Nên cúng vào ban ngày, sau đó gia đình sẽ thụ lộc tại nhà.
Mâm cúng gia tiên
Mâm cúng gia tiên rằm tháng 7 phải được chuẩn bị tươm tất, sạch sẽ và trang trọng để thể hiện lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Mâm cúng gia tiên thường gồm các lễ vật:
- Trầu cau: Dâng trầu cau là thể hiện lòng hiếu thảo và kính trọng.
- Hương, đèn, nến: Là những vật dụng không thể thiếu trên bàn thờ
- Hoa tươi: Thường là hoa cúc, hoa huệ hoặc hoa hồng
- Trái cây: Các loại quả tươi ngon như chuối, cam, quýt, nho
- Rượu và nước
- Xôi và cơm: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc cơm trắng
- Món mặn: Thịt gà, thịt lợn hoặc cá.
- Các món chay: Đậu phụ, nộm, rau củ quả.
Mâm cúng chúng sinh
Mâm cúng chúng sinh thường được đặt ở ngoài trời hoặc sân nhà, dành để cúng các cô hồn không nơi nương tựa. Mâm cỗ thường gồm:
- Muối và gạo: Được rải xung quanh sau khi cúng để tiễn các linh hồn
- Cháo trắng: Để các linh hồn được no lòng
- Bánh kẹo: Dành cho các vong linh là trẻ em
- Ngô, khoai, sắn: Các loại củ quả phổ biến và dễ tìm
- Tiền vàng mã
- Nến, hương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị