Văn hóa trong sự nghiệp đổi mới hôm nay
(TN&MT) – Có lẽ chưa bao giờ hai tiếng “văn hóa” lại trở nên phổ biến trong giao tiếp thường ngày của quần chúng như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ trong các nghị quyết lại đề cập nhiều đến vấn đề văn hóa, con người như hiện nay. Điều đó tiếp tục khẳng định một luận điểm cực kỳ quan trọng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới”.
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề văn hóa. Từ “Luận cương cách mạng” năm 1930 đến “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943, nội dung và tính chất của nền văn hóa mới đã bước đầu hình thành.
Bước qua những năm tháng chiến tranh, tái thiết đất nước sau chiến tranh và thời kỳ đầu Đổi mới, tháng 7/1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đặt ra yêu cầu về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) tiếp tục nhấn mạnh “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đại hội Đảng lần thứ XII đặt vấn đề xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ và khoa học. Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra yêu cầu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Gần đây nhất là Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”…
Kể từ bản văn kiện “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và trong quá trình phát triển lý luận, Đảng luôn chỉ rõ: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xã hội, văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc. Nhận thức ra các vấn đề đó là kết quả của một quá trình tìm tòi của toàn xã hội. Vì vậy, đối với mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, để hiểu đầy đủ các quan điểm đó, cũng cần phải được bồi dưỡng cả về tri thức, cả về phẩm chất tâm hồn.
Nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trong số các nhiệm vụ, đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Vấn đề này thực ra không mới. Trước kia, đã nhiều lần chúng ta nói tới. Tuy vậy, văn hóa là một lĩnh vực sản xuất tinh thần, vô cùng phức tạp. Như Lênin đã nói: trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, không thể dùng cách quản lý hành chính, lấy số đông thống trị số ít.
Ngay từ sau Đổi mới, trong Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về công tác văn hóa, nghệ thuật, Đảng ta đã khẳng định: tự do sáng tạo là lẽ sống còn của văn hóa, văn nghệ. Đảng cũng đòi hỏi phải có thái độ khách quan, chu đáo đối với tác phẩm và các văn nghệ sĩ. Rõ ràng, những tư tưởng đó của Đảng đã khẳng định, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo và quản lý thích hợp.
Thực hiện “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa” hiện nay, Đảng ta thường xuyên khẳng định: xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Chính quần chúng nhân dân mới là lực lượng chủ yếu sáng tạo ra văn hóa. Vậy làm gì để nhân dân trực tiếp tham gia vào việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa trong thời đại hiện nay.
Từ ngàn xưa, trong khổ đau, trong áp bức, nhân dân ta vẫn liên tục sáng tạo ra các giá trị văn hóa lớn. Các giá trị đó không những đã góp phần tạo nên sức mạnh cố kết bền vững của dân tộc, mà còn tạo nên những chất liệu cần thiết để hình thành những công trình văn hóa lưu danh muôn đời. Việt Nam ta có một bức trường thành trong lòng dân – đó là chủ nghĩa yêu nước từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Nhờ bức vạn lý trường thành đó, dân tộc chúng ta luôn chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo từ xa tới. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được nhân dân thể hiện không chỉ trong cuộc sống thường ngày, trong sinh hoạt, lao động và chiến đấu, mà còn được kết tinh trong những tác phẩm văn học dân gian: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, dân ca, trong các lễ hội, trong phong tục tập quán. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá nuôi dưỡng tâm hồn khí phách của dân tộc. Văn hóa, văn học nghệ thuật của dân tộc cũng được hình thành từ đó.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Hồ và Đảng ta ngay từ đầu đã tổ chức cuộc vận động diệt giặc dốt, tổ chức các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa và phát triển sự nghiệp giáo dục quốc dân, nhằm không ngừng nâng cao dân trí. Từ 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất cuộc vận động xây dựng đời sống mới, nhằm loại bỏ những hủ tục, mê tín, xây dựng cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính, đưa khoa học vào đời sống… Năm 1948, Bác khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, với khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”.
Thông qua các hoạt động đó, quần chúng nhân dân có dịp phát huy mọi năng lực tinh thần để hình thành những giá trị mới về văn hóa và con người. Các giá trị văn hóa nghệ thuật từ xưa tới nay đều phải bắt nguồn từ đời sống quần chúng, hấp thu những tinh hoa do quần chúng sáng tạo ra và phải được quần chúng hiểu và yêu thích. Vai trò lãnh đạo của Đảng ở đây là phải giúp cho mọi người, từ người dân bình thường, đến những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khẳng định được chân giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống, phân biệt được cái gì là giá trị lâu dài, cái gì đã tỏ ra lạc hậu, lỗi thời, đồng thời bổ sung những nhân tố mới mang tính thời đại.
Đảng không thể làm thay cho dân tộc trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa. Lênin đã dạy: “Văn hóa vô sản không phải tự trên trời rơi xuống”. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu một tấm gương tuyệt vời về phương diện này. Năm 1947, Bác viết cuốn “Đời sống mới”, trong đó chủ yếu sử dụng các giá trị văn hóa tự thân của dân tộc, bởi vì Người hiểu rõ văn hóa dân tộc ta là dòng chảy liên tục của lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay. Tư tưởng của Người là, không phải cái gì cũ cũng bỏ, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu thì phải sửa lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm. Viết về xây dựng đời sống mới, Bác sử dụng các khái niệm, các giá trị: Cần, kiệm, liêm, chính. Bác viết: “Nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, tức là nhen lửa cho đời sống mới”. Có người không hiểu, thưa với Bác xin thay mấy từ cần, kiệm, liêm, chính vì những từ đó quá cũ rồi. Nghe thế, Bác hỏi lại “Thế cơm ăn nước uống xưa nay ta vẫn dùng, sao không thấy cũ?!”.
Nêu ra những bài học đó để thấy rằng, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay, công việc đầu tiên là phải biết làm chủ những giá trị văn hóa và con người mà cha ông ta đã tạo nên, và đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Những thành tựu về văn hóa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo, đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn người Việt Nam hôm nay. Không phải không có những hiện tượng tiêu cực như quan liêu, tham nhũng… Nhưng trước thái độ nghiêm khắc của Bác, của Đảng, “Sự nghiêm minh của pháp luật và sức mạnh to lớn của dư luận xã hội” là những gọng kìm bủa vây và tiêu diệt những tham vọng xấu xa của một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa. Đó là những bài học lớn mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Điều đó chắc chắn sẽ giúp chúng ta có thêm bản lĩnh, dũng khí để hoàn thành tốt một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng hiện nay: phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Đại hội của Đảng đã đề ra.
Hơn thế nữa, với cách làm đó, chúng ta đang thực sự xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nêu cao thực hành cần, kiệm, liêm, chính, tức là nhen lửa cho đời sống mới”.