Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải vào thời điểm nào?
(Xây dựng) – Việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp giấy phép môi trường thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa. |
Dự án của công ty bà Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội) đang gặp phải một số vấn đề khi thực hiện các quy định bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể như sau:
Căn cứ các Điều 39-48 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Điều 28-31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường quy định về giấy phép môi trường và đăng ký môi trường, trong đó, Điều 28 nêu rõ nội dung của báo cáo đề xuất cấp phép môi trường gồm kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường và kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm, kèm theo kế hoạch quan trắc chất thải để đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải (lấy mẫu tổ hợp và mẫu đơn); trường hợp công trình, thiết bị xử lý hợp khối hoặc công trình xử lý chất thải thuộc dự án có công suất nhỏ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này chỉ thực hiện lấy mẫu đơn để quan trắc; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành.
Điểm a Khoản 2 Điều 29 của Nghị định quy định thời điểm thực hiện hồ sơ xin giấy phép môi trường: “Sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án”.
Căn cứ các quy định trên có thể hiểu thời gian vận hành thử nghiệm các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường là vận hành thử nghiệm khi có đốt thử nhiên liệu ở các điều kiện tải, trước khi đi vào vận hành chính thức (vận hành thương mại COD) đúng không? Nếu không phải thời điểm này thì vận hành thử nghiệm sẽ là giai đoạn nào của dự án?
Trong trường hợp dự án đã có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, căn cứ Khoản 5, Điều 171 của Luật Bảo vệ môi trường 2020:
“5. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được cấp theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép và là một phần của giấy phép môi trường quy định tại Luật này.
Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong trường hợp đã hoàn thành công trình, thiết bị xử lý khí thải, quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật này”.
Căn cứ điều khoản chuyển tiếp này có thể hiểu dự án có thể thải nước thải của dự án khi chưa cần giấy phép môi trường có đúng không? Trường hợp nước thải sục rửa đường ống nếu được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải của dự án đạt tiêu chuẩn quy định có thể thải ra biển được không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp giấy phép môi trường thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thời điểm vận hành công trình xử lý chất thải được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Nghị định này.
“Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được cấp theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép và là một phần của giấy phép môi trường quy định tại Luật này” (Khoản 5 Điều 171 Luật Bảo vệ môi trường 2020).
Như vậy, doanh nghiệp được tiếp tục xả nước thải đến hết thời hạn của giấy phép theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Quy chuẩn xả thải, vị trí xả nước thải thực hiện theo quy định của giấy phép được cấp và còn hiệu lực.
Nguồn: Báo xây dựng