Vận hành siêu dự án dẫn nước thuỷ lợi tại Trung Quốc
Vận hành siêu dự án dẫn nước thuỷ lợi tại Trung Quốc
Theo dõi MTĐT trên
Siêu dự án thủy lợi dài 723 km, trị giá gần 14 tỷ USD dẫn nguồn nước từ sông Dương Tử phục vụ đa mục tiêu đã bắt đầu vận hành thử nghiệm
Theo đó, dự án dẫn nước có tổng chiều dài 723 km nối từ sông Dương Tử (Trường Giang) đến sông Hoài mất 6 năm để thi công xây dựng, sẽ cung cấp nước cho 15 thành phố ở hai tỉnh An Huy (miền đông) và tỉnh Hà Nam (miền trung). Siêu dự án dẫn nước này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 50 triệu người dân Trung Quốc.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, người dân cũng chứng kiến lễ khởi công xây dựng giai đoạn hai của siêu dự án này, với nguồn vốn đầu tư 20,41 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,93 tỷ USD). Trước đó, tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu tiên của dự án đã vượt mốc 94,91 tỷ nhân dân tệ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc cung cấp nước cho cư dân và phát triển giao thông vận tải đường thủy, siêu dự án thủy lợi này cũng sẽ được sử dụng để vận hành tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sẽ giúp cải thiện môi trường sinh thái của cả sông Hoài lẫn hồ Sào.
Ông Zhang Xiaowu, chủ tịch của Tập đoàn An Huy Group, đơn vị thi công dự án chuyển nước từ sông Dương Tử đến sông Hoài cho biết, hàng năm dự án sẽ cung cấp hơn 500 triệu mét khối nước cho hồ Sào, giúp khôi phục hệ sinh thái của hồ.
Hồ Sào là một hồ chứa nằm ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy là một trong năm hồ chứa nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc với diện tích bề mặt 760 cây số vuông, độ sâu trung bình 2,5 mét và tối đa là 5 mét. Đây cũng là nguồn sống của khoảng 5 triệu người dân địa phương. Tuy nhiên vài năm qua đang trải qua tình trạng ô nhiễm và bồi lắng nặng nề.
Sông Hoài dài 1.110 km, có kích thước lưu vực 174.000 cây số vuông, bắt nguồn từ núi Đồng Bạch, tỉnh Hà Nam chảy qua miền nam tỉnh Hà Nam và miền bắc hai tỉnh An Huy và Giang Tô, sau đó đổ vào hồ Đồng Trạch, thuộc tỉnh Giang Tô. Trong vài chục năm qua, con sông này thường xuyên bị lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô do tốc độ phát triển kinh tế- xã hội thái quá làm thay đổi dòng chảy và hiện tượng bồi lắng phù sa.
Theo chủ đầu tư dự án, khi chính thức vận hành nó cũng có thể dẫn nguồn nước vào dòng chính của sông Hoài để ngăn không cho con sông này bị khô cạn.
Trong suốt quá trình thi công, dự án thủy lợi phức hợp này đã vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trong quá trình xây dựng và buộc các chuyên gia phải xem xét, tính đến việc bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, một con kênh dẫn đã được di chuyển về phía tây để nhường chỗ cho các loài chim di cư, trong khi nhiều hạng mục khác cũng được xây dựng để tạo điều kiện cho các loài cá di cư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sông Dương Tử bắt nguồn từ độ cao 5.600 mét chảy qua 10 tỉnh thành của Trung Quốc trước khi trước khi đổ ra biển phía bắc Thượng Hải và là một trong những cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Con sông này cũng đạt kỷ lục dài nhất châu Á, với độ dài hơn 6.300 km, và đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau sông Nile và sông Amazon. Sông Dương Tử chảy từ tây sang đông, bắt nguồn từ những dòng sông băng ở cao nguyên Tây Tạng đến trung tâm tài chính Thượng Hải rồi đổ ra biển.
Trong nhiều thế kỷ, sông Dương Tử là tuyến đường thủy huyết mạch trong việc vận chuyển hàng hóa, từng được gọi là “đường thủy hoàng kim” nhưng có nhiều đoạn rất nguy hiểm vì đá núi và mực nước lên xuống thất thường. Ngày nay, sông Dương Tử vẫn là con sông tấp nập các hoạt động đóng góp vào nền kinh tế của nhiều thành phố, làng mạc lân cận, bao gồm 5 thành phố lớn nhất Trung Quốc. Khu vực trung hạ du sông Trường Giang có khí hậu ấm áp ẩm ướt, nước mưa dồi dào, ruộng đất màu mỡ, là khu vực có công nghiệp và nông nghiệp phát triển nhất ở Trung Quốc.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị