Vận hành hiệu quả hệ thống Trạm quan trắc môi trường tự động
Vận hành hiệu quả hệ thống Trạm quan trắc môi trường tự động
Xác định hoạt động quan trắc, phân tích môi trường là một trong những công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung đầu tư, phát triển hệ thống quan trắc chất lượng môi trường từ Trung ương đến địa phương.
Bộ đã xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung; nâng cấp, tăng cường trang thiết bị quan trắc môi trường, kiểm soát đo lường và hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia; đặc biệt là đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí giai đoạn 1. Đến nay, Bộ đã hoàn thiện đầu tư bổ sung 18 Trạm quan trắc môi trường không khí trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố. Cùng với 9 Trạm quan trắc môi trường không khí quốc gia và 86 Trạm cố định của các địa phương đã đầu tư, lắp đặt trước đây, thông tin về diễn biến chất lượng không khí sẽ được cung cấp kịp thời, toàn diện và là nguồn dữ liệu chính thống để tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí.
Hoạt động quan trắc môi trường thuộc Chương trình quan trắc môi trường quốc gia được triển khai đồng bộ tại ba miền Bắc – Trung – Nam do 3 Trung tâm Quan trắc môi trường vùng thực hiện với 8 đợt/năm. Khu vực miền Bắc thực hiện quan trắc trên 5 lưu vực sông gồm lưu vực sông Hồng, sông Đà và sông Thái Bình; lưu vực sông Cầu; lưu vực sông Nhuệ – Đáy; lưu vực sông Mã Chu và lưu vực sông Cả La. Môi trường không khí thực hiện quan trắc tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và một số điểm nóng về môi trường tại Hà Tĩnh.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên thực hiện quan trắc môi trường nước trên lưu vực sông Hương, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và môi trường không khí tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu vực miền Nam thực hiện quan trắc môi trường nước trên hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và sông Tiền, môi trường không khí tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, hệ thống quan trắc tự động giám sát nguồn thải của các doanh nghiệp từng bước được đầu tư, nâng cấp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật quan trắc và phân tích môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia. Hệ thống được tích hợp các nền tảng: Dữ liệu quan trắc định kỳ của Trung ương và địa phương; dữ liệu viễn thám và GIS; nền tảng công khai thông tin môi trường; hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường và hệ thống thu phí nước thải.
Để tăng cường nguồn lực và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế khi xây dựng hệ thống, Bộ thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế. Các dự án đã và đang được triển khai như Dự án hợp tác lắp đặt 100 Trạm quan trắc tự động sử dụng cảm biến tại khu vực phía Bắc; dự án hợp tác với Phần Lan ứng dụng các mô hình dự báo chất lượng môi trường không khí; dự án hợp tác với Hàn Quốc “Xây dựng quan hệ đối tác Liên Á về hệ thống thông tin ô nhiễm không khí sử dụng vệ tinh địa tĩnh”…
Với trợ lực từ quốc tế và nỗ lực nội tại trong nước, đến nay, cả nước đã lắp đặt gần 2.000 Trạm quan trắc môi trường tự động; trong đó có hơn 1.600 trạm đang truyền số liệu về Bộ, khoảng 300 trạm đang trong giai đoạn lắp đặt, vận hành thử nghiệm. Dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền về liên tục với tần suất 60 phút/lần, thậm chí 5 phút/lần thông qua phần mềm Envisoft.
Hệ thống các trạm quan trắc tự động đã cung cấp chuỗi số liệu liên tục về diễn biến chất lượng môi trường theo thời gian, phản ánh chất lượng môi trường theo thời gian thực, đồng thời cung cấp thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng một cách kịp thời và dễ hiểu. Số liệu từ các trạm quan trắc đã cung cấp một phần bức tranh hiện trạng môi trường không khí và nước trên phạm vi toàn quốc, giúp cơ quan quản lý nhận diện các “vùng ô nhiễm” để điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thiết thực.
Với nỗ lực hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc, đến nay, toàn ngành đã kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hàng năm; tập trung quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (chiếm 20 – 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng gây ra 70 – 80% các vấn đề môi trường).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị