Vận chuyển 500kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện tại Sơn La

Tại địa điểm thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Đội QLTT số 5 phối hợp với phòng PC03 Công an tỉnh Sơn La tiến hành khám xe khách mang biển kiểm soát 27F-xxx. Lái xe kiêm chủ hàng có địa chỉ tại thành phố Điện Biên.

Kết quả khám phát hiện trên xe có vận chuyển 500 kg sản phẩm động vật (nội tạng động vật) được xác định không rõ nguồn gốc xuất xứ; chủ hàng khai nhận số nội tạng động vật trên được mua từ Hà Nội lên Thuận Châu để tiêu thụ, đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Qua làm việc, chủ hàng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đội QLTT số 5 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng số tiền phạt 5,5 triệu đồng; đồng thời tiến hành xử lý toàn bộ tang vật theo đúng quy định của pháp luật.

Sơn La thu giữ nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cũng liên quan tới tình hình kinh doanh, hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai, trong 6 tháng đầu năm 2024, Đội QLTT số 5 đã kiểm tra, xử lý 75 vụ vi phạm thu với trị giá hàng hóa vi phạm 50.440.000 đồng và tiêu hủy 1.465 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các hành vi vi phạm chủ yếu về an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, hàng nhập lậu,…

Nói tới nội tạng động vật, theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nội tạng động vật có hàm lượng chất béo trung bình từ 5 – 7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao. Nếu tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật có thể bị mỡ máu tăng cao dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, gout…

Đặc biệt, những nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này chưa được nấu chín sẽ khiến liên cầu khuẩn từ thức ăn xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh.

Đặc biệt, ở Việt Nam, theo thống kê có tới 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn gây bệnh trên nội tạng sang thức ăn, nước uống khác trong quá trình chế biến sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn E.coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích