Văn Chấn (Yên Bái) bảo vệ rừng từ thôn, bản

Văn Chấn (Yên Bái) bảo vệ rừng từ thôn, bản

MTĐT –  Thứ năm, 25/08/2022 11:02 (GMT+7)

Hiện nay toàn huyện Văn Chấn trồng mới được 2.705,7 ha rừng. Trong đó, người dân tự bỏ vốn trồng mới được 2.342,6 ha, trồng rừng theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh được trên 219 ha.

Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hiện quản lý trên 65.000 ha rừng trải dài trên địa bàn 24 xã, thị trấn. Để ngăn chặn lửa rừng, ngay từ đầu mùa khô hanh, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn đã tham mưu với huyện, các xã, thị trấn, các công ty lâm nghiệp củng cố, kiện toàn các ban chỉ huy BVR, PCCCR, xây dựng kế hoạch BVR, PCCCR, tổ chức mạng lưới thông tin cảnh báo dự báo cháy rừng từ huyện tới thôn, bản; phản ánh kịp thời diễn biến tài nguyên rừng của các xã, thị trấn với các cấp lãnh đạo để có cơ sở đưa ra những kế hoạch, nhiệm vụ sát thực tế.

tm-img-alt
Đoàn liên ngành của UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) lập biên bản một vụ phá rừng. Ảnh: TL

Để từng bước cụ thể hóa Luật Lâm nghiệp thành “lệ” thực thi của làng bản, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng được các quy ước, hương ước BVR gắn với phong tục tập quán của người dân; tham mưu với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể về bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn, quản lý sản xuất nương rẫy; tổ chức diễn tập công tác PCCCR ở các xã trọng điểm; ký cam kết với các hộ dân về BVR, PCCCR tới tất cả các thôn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở cơ sở về công tác BVR.

Bên cạnh cuộc chiến với “giặc lửa”, Hạt đã tăng cường kiểm lâm viên xuống địa bàn các xã, thị trấn, các thôn, bản để BVR tại gốc. Thường xuyên tham mưu với lãnh đạo các cấp xây dựng các chỉ thị, kế hoạch về quản lý lâm sản. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý rừng, BVR, sản xuất, kinh doanh vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.

Từ đầu năm tới nay, lực lượng kiểm lâm Văn Chấn đã phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm lâm luật; tịch thu 17,273 m3 gỗ các loại, nộp ngân sách trên 39 triệu đồng. Song song với các biện pháp giữ rừng tại gốc, huyện Văn Chấn cũng tập trung công tác phát triển vốn rừng.

Đại diện Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: Để hoàn thành kế hoạch trồng mới trên 3.150 ha rừng, đơn vị đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn triển khai và phổ biến kế hoạch trồng rừng tới từng thôn bản, người dân; tuyên truyền sâu rộng các chính sách phát triển lâm nghiệp trong đó trọng tâm là chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng nguyên liệu theo hướng bền vững theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ trồng mới rừng sản xuất theo hướng thâm canh.

Hiện nay toàn huyện trồng mới được 2.705,7 ha rừng. Trong đó, người dân tự bỏ vốn trồng mới được 2.342,6 ha, trồng rừng theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh được trên 219 ha. Đồng thời, đơn vị cũng tập trung triển khai kế hoạch cấp chứng chỉ rừng FSC năm 2022 trên địa bàn.

Hiện tại, Hạt kiểm lâm huyện đang phối hợp với Công ty TNHH Wood Yên Bình, UBND các xã, thị trấn, tiến hành rà soát diện tích đăng ký của các hộ gia đình tham gia cấp chứng chỉ FSC phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 là 3.000 ha; tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia sản xuất quế hữu cơ phấn đấu trong năm 2022 đạt 1.000 ha.

Để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cùng tham gia BVR; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là tình trạng xâm lấn phát phá rừng trái phép; tăng cường kiểm lâm viên về địa bàn xã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chỉ đạo quán triệt sâu rộng các cơ chế chính sách của Nhà nước để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân trong việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC, từng bước nâng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, thâm canh rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu ổn định phục vụ ngành công nghiệp chế biến lâm sản.

Cùng đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu cho công tác bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực vào rừng tự nhiên.

Ngọc Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích