Vẫn băn khoăn việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón

Lo ngại tăng giá

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%, sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón. Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống của người nông dân.

“Mặc dù theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá, nhưng doanh nghiệp kinh doanh theo luật vận hành theo kinh tế thị trường, việc này cũng không thể đảm bảo có diễn ra hay không vì Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp làm điều này.

Vì vậy, tôi chọn phương án 2, giữ như quy định hiện hành, phân bón chuyển sang Điều 5 về các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Còn nếu muốn đảm bảo hài hòa, tôi đề xuất phương án đưa phân bón vào diện chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% để vừa xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn có thể làm giảm giá phân bón, khuyến khích phát triển nông nghiệp”, đại biểu đề nghị.

Vẫn băn khoăn việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cũng tán thành theo phương án 2, giữ quy định hiện hành. Bởi theo đại biểu, nếu đưa đối tượng này chịu mức thuế 5% sẽ làm tăng chi phí phục vụ cho sản xuất ngư nghiệp và trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định theo hướng các sản phẩm thủ công sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ cây gỗ cũng được hưởng mức thuế là 5%.

Tán thành phương án 2 trong dự thảo Luật, không áp thuế đối với tất cả các nhóm hàng này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị, cần đánh giá một cách chính xác nhất của cả giai đoạn, ít nhất là từ năm 2023, nếu đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn là bao nhiêu và ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu, người dân là người trực tiếp nộp 5% là bao nhiêu.

“Báo cáo với hội nghị, vừa qua phục hồi kinh tế chúng ta cố gắng giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho người dân để kích thích tiêu dùng, bây giờ chúng ta lại bảo đánh 5% vào để giảm giá bán, đối với tôi là không thuyết phục. Tôi đề nghị đánh giá một cách cụ thể nhất và không áp thuế đối với toàn bộ nhóm dự kiến đưa vào, không phải riêng đối với phân bón và giữ như hiện hành”, đại biểu nói.

Cần đánh giá tổng thể

Cho rằng Luật Thuế giá trị gia tăng tác động rất lớn đến xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) phân tích, cần có một sắc thuế thật sự hiện đại, khách quan, nhưng cũng phải đúng bản chất của một đạo thuế gián thu. Do đó, không nên đi vào trực tiếp những đối tượng nào, tránh việc quy định quá cụ thể sẽ mất tính khách quan của loại thuế này.

Vẫn băn khoăn việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Quốc hội

Về phần thuế 5% đối với phân bón, đại biểu cho rằng, phải nhìn tổng thể. “Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam lại không có một ngành phân bón sản xuất trong nước đĩnh đạc, mà cứ phải đi điều chỉnh lên, điều chỉnh xuống về mặt chính sách thế này tôi cho rằng không ổn.

“Chúng ta cần có một ngành sản xuất phân bón hiện đại và phải bình đẳng với thế giới chứ không phải đi chạy theo chính sách, lúc nào cũng phụ thuộc vào thế giới, phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Nếu ngành sản xuất phân bón tốt, thì người dân được lợi, xã hội được lợi, ngành Nông nghiệp được lợi.

Nếu đưa vào phân bón 5% thì còn có cơ hội thu thuế của doanh nghiệp nhập khẩu, và chi phí đó nếu không thu lâu nay thì sẽ được hoàn. Ta phải đánh giá giữa cái được, cái mất và tổng thể. Tôi cho rằng lý do để cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu phương án ủng hộ cho việc đưa về thuế suất 5%”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Cung cấp thêm thông tin đánh giá tác động

Để có đầy đủ cơ sở giúp Quốc hội bấm nút lựa chọn phương án, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị phải cung cấp thêm thông tin đánh giá tác động. “Vấn đề không phải là quan điểm mà cần phải có dữ liệu, bằng chứng lượng hóa đầy đủ, thích hợp và thuyết phục. Xét về tổng thể, phương án nào mang lại hiệu quả tối ưu hơn thì quyết định theo phương án đó”, đại biểu phân tích.

Theo đại biểu Lê Minh Nam, bên cạnh chính sách thuế thì phân bón còn là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, bị điều tiết bởi các yếu tố của thị trường. Vì vậy, nếu Nhà nước thu thêm được ngân sách và thúc đẩy được cho doanh nghiệp trong nước phát triển thì Nhà nước cũng có thể sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho bà con nông dân qua các chính sách khác.

Vẫn băn khoăn việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Quốc hội

Hoặc nếu tính toán để tránh việc không tính thuế vì đang có tình trạng là bảo hộ ngược cho các phân bón nhập khẩu thì cũng có thể xem xét điều chỉnh đối tượng áp thuế là 5% đối với những loại phân bón nhập khẩu, còn những loại phân bón không phải nhập khẩu thì cũng không nhất thiết phải điều chỉnh thuế.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn tỉnh Cà Mau) lại không theo 2 phương án trong dự thảo Luật, mà ông có đề xuất khác. “Một là sản xuất phân bón trong nước chịu thuế suất 0%, và đương nhiên các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ được hoàn nếu đưa vào thuế suất 0%. Hai là thuế nhập khẩu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vẫn giữ như Điều 9 hiện nay trong dự thảo.

Đối với nông dân “một nắng, hai sương”, lời lãi chẳng được bao nhiêu, nếu quyết thu 5%, khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ đánh trực diện vào hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tôi đề nghị phải đưa vào Điều 9 là thuế suất 0%, các nhà sản xuất phân bón họ mới được hoàn thuế”, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề xuất.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích