Vai trò luật sư tư vấn cho các dự án lớn của Chính phủ còn hạn chế

Các cơ quan, tổ chức Việt Nam vẫn phải thuê các công ty luật nước ngoài

Theo báo cáo của 63 địa phương và Liên đoàn luật sư Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 17.284 luật sư, 5.429 tổ chức hành nghề luật sư. Bộ Tư pháp đánh giá, số lượng luật sư cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ luật sư hiện có so với dân số Việt Nam còn thấp, sự phân bổ luật sư không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Một số chủ trương, chính sách về hỗ trợ, phát triển nghề luật sư chưa được thể chế hóa đầy đủ, trong đó thiếu chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế, nhất là trong các dự án lớn với nước ngoài, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, sử dụng vốn ODA; trong các đoàn đàm phán quốc tế; trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật về hội nhập.

“Việc phát triển đội ngũ luật sư có trình độ ngoại ngữ, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế còn khó khăn. Vai trò của luật sư tham gia vào các vụ án lớn, vụ án điểm hay tham vấn, tư vấn cho các dự án lớn của Chính phủ, cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Vai trò luật sư tư vấn cho các dự án lớn của Chính phủ còn hạn chế
Toàn cảnh hội nghị.

Trong nhiều vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài hoặc các dự án có chuyên ngành sâu thì các cơ quan, tổ chức Việt Nam vẫn phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết”, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết.

Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, tranh chấp về đầu tư có yếu tố nước ngoài đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Nhưng thực tế, nhiều địa phương lúng túng trong ứng xử, trong một số trường hợp không trả lời, không biết nên trả lời thế nào, không đủ người có kinh nghiệm để tư vấn giải quyết tranh chấp quốc tế.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ quan tâm nội dung này, vì đây là vấn đề cấp bách. Thực tế đã có các vụ kiện xảy ra ở Singapore, Pháp, Mỹ, các địa phương thì lúng túng trong ứng xử, còn lộ trình của các vụ kiện vẫn diễn tiến. Trong khi đó, cơ chế tài chính ngân sách Nhà nước để sử dụng luật sư hiện không phù hợp với thị trường pháp lý, nếu muốn thuê luật sư cao cấp thì chi phí rất cao, trong khi cơ chế để Ủy ban nhân dân quyết định lại không có. Đây là vấn đề cần sớm được tháo gỡ…

Cần sớm sửa đổi Luật Luật sư

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài cho rằng, cần thiết sớm sửa đổi Luật Luật sư theo hướng nằm trong tổng thể mối liên thông với sửa đổi các luật tố tụng, gắn với mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam. Đặc biệt xác định địa vị pháp lý của luật sư trong tố tụng và trong xã hội như thế nào để đảm bảo nâng cao vai trò luật sư, đóng góp vào bảo vệ công lý cũng như quyền lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ pháp chế.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng, hoàn thiện các quy định về luật sư là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Hhướng sửa đổi Luật Luật sư cần theo kịp xu thế của thế giới, cũng như nâng cao trách nhiệm của luật sư đối với nhân dân và đất nước, để luật sư làm tròn bổn phận của mình, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Vai trò luật sư tư vấn cho các dự án lớn của Chính phủ còn hạn chế
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong quá trình thi hành Luật Luật sư

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong quá trình thi hành Luật Luật sư ở cấp trung ương và địa phương, nổi bật là: Nhận thức của cơ quan, tổ chức và xã hội về vị trí, vai trò của luật sư và hành nghề luật sư đã có những thay đổi tích cực.

Số lượng luật sư tăng lên nhanh chóng, dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp ngày càng đa dạng, phong phú; chất lượng tham gia tố tụng của luật sư có sự tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thúc đẩy cải cách tư pháp.

Đồng thời, Luật Luật sư đã tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao tối đa vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, nhất là sau khi Liên đoàn Luật sư được thành lập. Các Đoàn luật sư và luật sư đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật…

Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư.

Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích