Vai trò của tiêu chuẩn trong kiểm kê – quản lý phát thải khí nhà kính
Ngày 28-29/3/2024 tại Khách sạn InterContinental Saigon, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Canada kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Hướng tới mục tiêu Net zero: Trao đổi kinh nghiệm Việt Nam – Canada.
Hội thảo được tổ chức với sự tham dự của hơn 400 đại diện từ các Bộ, Sở ban ngành và doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các Sở ban ngành các tỉnh thành trên cả nước.
Bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada phát biểu khai mạc hội thảo.
Canada có lượng phát thải tuyệt đối ổn định và giảm đáng kể cường độ phát thải của nền kinh tế, trong đó hai ngành phát thải lớn nhất là Dầu khí và Giao thông vận tải. Năm 2021 Canada phát thải 670 triệu tấn CO2, giảm 8,4% so với 2005. Cường độ phát thải của nền kinh tế giản 42% kể từ năm 1990 và 29% kể từ năm 2005. Phát thải từ ngành điện tương đối thấp và giảm 56% kể từ năm 2005.
Canada cũng áp dụng công nghệ Thu giữ và lưu trữ Carbon trong các vỉa chứa dầu khí và các tầng chứa nước mặn sâu dưới lòng đất. Chính quyền liên bang và các tỉnh đã có những bước tiến quan trọng và đầu tư quy mô vào công nghệ này trong những năm gần đây. Các bể hấp thụ carbon này đã giúp Canada tiến gần hơn đến Net-Zero.
Trong phiên Tọa đàm về Chuyển đổi năng lượng sạch: Chiến lược và chính sách về giảm phát thải, phía Canada cũng đã giới thiệu các công nghệ tái chế dung môi đã qua sử dụng, có thể tiết kiệm 25 USD cho mỗi Mt dầu sản xuất, giảm 50% chi phí sản xuất, giảm 190 kg CO2 trên mỗi Mt dầu sản xuất ra, giảm đến 80% lượng khí thải.
Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên môi trường điều phối tọa đàm Chuyển đổi năng lượng sạch: Chiến lược và chính sách về giảm phát thải.
Chia sẻ trong tọa đàm, ông Trần Quốc Dũng đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) đã trao đổi về vấn đề kỹ thuật trong việc quản lý phát thải khí nhà kính là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và các tổ chức thẩm tra độc lập hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), trao đổi về việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn liên quan đến quản lý phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
Theo ông Dũng, năm 2024 STAMEQ đã lên kế hoạch để xây dựng, soát xét gần 20 tiêu chuẩn liên quan đến Thích ứng với biến đổi khí hậu, Phát thải khí nhà kính, Trung hòa carbon, Công cụ tín dụng xanh…. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp nâng cao uy tín và hài hòa các thông lệ quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, việc sử dụng các tiêu chuẩn này nhằm loại bỏ sự nhầm lẫn, cải thiện niềm tin vào thị trường, dẫn đến tăng đầu tư và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, cũng như lợi ích với môi trường.
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởngTổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), trao đổi với ông Brian Allemekinders, Tham tán – Trưởng Ban Hợp tác Phát triển – Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.
Trong phiên Hội thảo bàn tròn ngày 29/3/2024, hội thảo tiếp tục trao đổi về Tín chỉ Cacbon, hệ thống định giá Carbon của Canada và đặc biệt là các tiềm năng hợp tác giữa Canada và Việt Nam. Ông Brian Allemekinders, Tham tán – Trưởng ban Hợp tác Phát triển – Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, Canada mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.
Đại diện STAMEQ cũng đã nêu hiện trạng của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh việc kiểm toán khí nhà kính là bắt buộc đối với 1.912 doanh nghiệp trong danh mục phải kiểm kê khí nhà kính và rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thép, nhôm, xi măng, phân bón hóa chất… vào thị trường EU theo cơ chế CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu). Tuy nhiên việc thực hiện rất lúng túng do Việt Nam chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn quy định thống nhất và nhất quán việc đo kiểm và thẩm tra xác minh phát thải khí nhà kính đảm bảo tính chính xác, tính minh bạch, tính toàn diện và tiếp cận khoa học. Do đó STAMEQ cũng đề xuất với Chính phủ Canada về hỗ trợ hợp tác nâng cao năng lực của đội ngũ Kiểm toán khí nhà kính, Thẩm tra và Thẩm định việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, xây dựng hệ số phát thải bâc chính xác nhất cho các ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam như Sản xuất thép, Xi măng, Xăng dầu…
Hội thảo bàn tròn ngày 29/3/2024 để trao đổi về các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Canada.
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, hội thảo đã thành công trong việc kết nối giữa chính phủ với chính phủ, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp của Canada và Việt Nam để có thể đề xuất các cơ hội hỗ trợ hợp tác. Kết thúc hội thảo, Đại sứ quán Canada đã đưa ra danh mục các nội dung có thể hỗ trợ, hợp tác trong thời gian tới, nhằm giúp Việt Nam tiến tới Net Zero theo đúng cam kết.
“Phái đoàn Thương mại Canada đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 26-29/3/2024. Phái đoàn gồm gần 250 thành viên đến từ chính phủ và gần 200 doanh nghiệp do bà Mary Ng – Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada dẫn đầu, với mục tiêu nhằm gia tăng kết nối các cơ hội thương mại, đầu tư, tăng cường chuỗi cung ứng với Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của phái đoàn, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo Hướng tới mục tiêu Net-Zero: Trao đổi kinh nghiệm Việt Nam – Canada”
Ngọc Anh – Thành Trung