Vai trò của lực lượng ‘đồng nát’ trong hệ thống quản lý rác thải tại Việt Nam
Vai trò của lực lượng ‘đồng nát’ trong hệ thống quản lý rác thải tại Việt Nam
Lực lượng lao động phi chính thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống quản lý rác thải. Tại Việt Nam, lực lượng lao động này còn được gọi với tên quen thuộc là “đồng nát”.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ước tính hơn 30% lượng rác thải được thu gom thông qua kênh này.
Chính vì vậy, vai trò và nhu cầu của mạng lưới lao động phi chính thức trong hệ thống quản lý rác thải tại Việt Nam cần được hiểu rõ để chuẩn bị cho sự tham gia của họ vào khung chính sách trong nước và quốc tế.
Ngày 10/1/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP với các chương về quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Chương trình EPR bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024 là một bước tiến lớn tạo ra cơ hội và cả thách thức cho những người thu gom rác thải.
Ngày 2/3/2022, tại Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc, các Bộ trưởng môi trường thế giới đã thông qua các nghị quyết quan trọng tạo nền tảng để xây dựng một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Vai trò của những người làm trong khu vực phi chính thức đã được công nhận trong một nghị quyết môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thi – Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thách thức lớn đối với lực lượng lao động phi chính thức tại Việt Nam là hơn 90% những người thu gom “đồng nát” là lao động nữ mặc dù tính chất công việc nặng nhọc. Điều kiện lao động trong hệ thống này còn lạc hậu, không bảo hộ, chủ yếu làm bằng thủ công, tư liệu lao động thô sơ. Các vấn đề phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, xã hội không được quan tâm, chưa có tổ chức bảo vệ quyền lợi, bị các chủ buôn chi phối, thậm chí bị ép giá.
Ông Nguyễn Thi cho biết, trong khoảng 5 năm tới, hệ thống đồng nát hiện nay vẫn phát huy hiệu quả trong việc thu gom, tái chế đồng thời cũng sẽ bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh với các tổ chức chuyên nghiệp, hiện đại. Để lực lượng lao động phi chính thức trong hệ thống thu gom rác thải được phát triển đúng hướng và được bảo vệ quyền lợi, họ phải được đăng ký lao động trong một tổ chức pháp nhân và tiến tới có hiệp hội của mình. Khi có tổ chức, lao động trong nghề “đồng nát” sẽ được cải thiện điều kiện lao động, có cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí từ các chương trình ERP, từng bước sử dụng công nghệ ứng dụng thu gom tự động.
Và một vấn đề cần lưu tâm suy nghĩ nhiều hơn nữa đó là khối lượng rác thải tái chế được thu gom qua kênh “đồng nát” sẽ được vận chuyển đến đâu – các cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn được cấp phép hay các làng nghề tự phát?
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị