Vai trò của kinh tế số trong việc phát triển kinh tế miền núi
Vai trò của kinh tế số trong việc phát triển kinh tế miền núi
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số (KTS-XHS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rất rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số vã xã hội số nước ta trong thời gian tới.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước hiện có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 khu vực III. Với những con số đáng được chú ý như trên, việc đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, vai trò của kinh tế số rất quan trọng cho những mục tiêu phát triển này
Các chính sách hỗ trợ Phát triển Kinh tế cho khu vực DTTS&MN
Trong giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách dân tộc. Tính đến tháng 10/2020, có 118 chính sách còn hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS&MN. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp, còn có 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến các vùng này.
Có thể thấy, hệ thống chính sách DTTS&MN ngày càng đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục – đào tạo, văn hóa… Nguồn lực thực hiện các chính sách ngày càng tăng, giai đoạn 2011 – 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 998.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế – đặc sản của địa phương mình, nhất là các cây dược liệu quý và đặc hữu khác có giá trị kinh tế cao; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo việc làm.
Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dựa vào phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khuôn khổ Chương trình 135, các chương trình, dự án hiện hành để tổng kết, đề xuất chính sách phù hợp, đồng bộ.
Đồng thời, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng nghiên cứu, đề xuất những chính sách hiệu quả hướng tới đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm người dân miền núi yên tâm sống với rừng, giữ được rừng và làm giàu từ rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng các loại hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình với các quy mô khác nhau ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các địa phương có điều kiện khí hậu, địa hình phù hợp cần chủ động nghiên cứu mô hình phát triển và nghiên cứu khả năng di thực, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương mình; xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững hướng tới mục tiêu tăng giàu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số khác, phải lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc sản, lâm sản ngoài gỗ đặc hữu để xây dựng mô hình đồng thời có kế hoạch và lộ trình triển khai đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 nêu rõ:
– Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.
– Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
– Ưu tiên sử dụng các cấu kiện xây dựng theo mô-đun (module) lắp ghép bảo đảm thi công nhanh, giảm chi phí phục vụ các công trình. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.
– Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
– Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.
– Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.
Kinh tế số và Chínhsách phát triển kinh tế số & Xã hội số của Việt Nam
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số (KTS-XHS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rất rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số vã xã hội số nước ta trong thời gian tới. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh, đạt mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra, chúng ta cần khẩn trương triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nền móng phát triển KTS-XHS:
– Xây dựng thể chế số: Hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất, được lồng ghép trong tất các các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số.
– Xây dựng hạ tầng số: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số.
– Phát triển nền tảng số: Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.
– Phát triển dữ liệu số: Dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo nên huyết mạch quan trọng của kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu là nguyên liệu không tiêu hao, càng chia sẻ, khai thác, sử dụng thì càng phát huy giá trị.
– Phát triển Nhân lực số: Phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng.
– Phát triển kỹ năng số, công dân số và văn hoá số: Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hoá số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số.
– Phát triển doanh nghiệp số: Phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số.
– Phát triển thanh toán số: Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt;
– Đảm bảo an toàn thông tin mạng và an ninh mạng: Phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số.
Thứ hai, triển khai các nhiệm vụ phát triển KTS-XHS ngành, lĩnh vực:
– Ngành nông nghiệp, nông thôn: Phát triển KTS-XHS theo hướng nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh;
– Ngành y tế: Phát triển KTS-XHS theo hướng y tế số gắn kết thông suốt mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương tới cấp xã và với người dân;
– Ngành Giáo dục và Đào tạo: Phát triển KTS-XHS theo hướng cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phong triển khai áp dụng công nghệ số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai;
– Ngành Lao động, việc làm và an sinh xã hội: Phát triển KTS-XHS theo hướng đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; tạo lập và duy trì cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật kịp thời về người lao động và đối tượng chính sách trên phạm vi cả nước;
– Ngành Thương mại, công nghiệp và năng lượng: Phát triển KTS-XHS trong thương mại theo hướng tinh gọn và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng, góp phần hiện đại hóa chu trình kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu;
– Ngành Du lịch: Phát triển KTS-XHS theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước khi thực hiện chuyến đi và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực;
– Ngành Tài nguyên và Môi trường: Phát triển KTS-XHS theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và carbon thấp, thân thiện với môi trường;
– Các ngành, lĩnh vực khác: Đối với các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, giao thông vận tải, logistics, xây dựng và bất động sản, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và các ngành, lĩnh vực khác: tập trung phát triển KTS-XHS trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo, tăng cường sự chỉ đạo chiến lược và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái KTS-XHS ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, triển khai các giải pháp để đảm bảo triển khai Chiến lược quốc gia phát triển KTS-XHS hiệu quả.
Các giải pháp bao gồm: Tổ chức, bộ máy; Hợp tác trong nước; Hợp tác quốc tế; Nghiên cứu, phát triển; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; Đo lường, giám sát triển khai; Bảo đảm kinh phí; và Giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển KTS-XHS.
Việt Nam có một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho kinh tế số phát triển, với khoảng 100 triệu dân, gần 9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, hơn 800 ngàn doanh nghiệp, khoảng 44 ngàn trường học, 14 ngàn cơ sở y tế. Đây là một thị trường số khổng lồ, là nguồn tài nguyên số quốc gia mà chúng ta cần phân loại, tìm lời giải đột phá để kích hoạt thị trường, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng được các nền tảng số xuất sắc, phục vụ hiệu quả nhất cho công cuộc chuyển đổi số đất nước, phát triển kinh tế số quốc gia, và đưa các doanh nghiệp chúng ta đi ra toàn cầu.
Vai trò của kinh tế số, chuyển đổi số với kinh tế miền núi
Đối với Việt Nam, kinh tế số có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp buộc phải đổi mới quy trình sản xuất – kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động. Đồng thời, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chuyển đổi số, tư vấn và đầu tư chuyển đổi số phục vụ chương trình chuyển đổi số Quốc gia và phát triển kinh tế miền núi Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội miền núi nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Việc xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương cần hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Đồng thời, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối thuận lợi với các vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Phát triển toàn diện giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa; từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
TS. Trần Quý
Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam
Th.S Hà Thảo Vi
Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị