Vai trò của Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với năng suất lao động
Trong khi trình độ ứng dụng công nghệ sản xuất của Việt Nam khá thấp, năng suất, chất lượng, hiệu quả từng ngành cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ nhưng đến nay việc sử dụng công nghệ ở nước ta vẫn còn lạc hậu và xếp vào loại thấp nhất khu vực ASEAN, theo Tổng cục Thống kê.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao, công cụ đưa vào sản xuất ngày càng hiện đại, đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng để có khả năng sử dụng, điều khiển máy móc trong sản xuất. Nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn của con người có ý nghĩa lớn đối với tăng năng suất lao động. Đây là yếu tố không thể thiếu bởi vì dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao và đưa vào sản xuất các công cụ hiện đại càng đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng. Nếu thiếu người lao động có trình độ chuyên môn cao thì không thể điều khiển được máy móc, không thể nắm bắt được công nghệ hiện đại.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với năng suất lao động.
Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước công nghiệp hiện đại. Ý nghĩa của tăng năng suất lao động đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai.
Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua đã đạt những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đặc biệt là duy trì được nhịp tăng trưởng GDP ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn; Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp và có khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực.
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Trước tình hình đó, Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2016-2020 là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30%-35%; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 5%/năm.
Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó có nội dung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Vậy nên, cải thiện và thúc đẩy nâng cao năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, là điều kiện tiên quyết để đưa Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, thích ứng xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài.
Nam Dương