‘Vá lỗ hổng’ trong hoạt động quản lý, điều hành giá xăng dầu
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, thời gian qua, các chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu tăng lên 2-3 lần cộng với chi phí vận chuyển… nhưng cách tính giá xăng dầu vẫn không thay đổi.
Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Thời gian qua, hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa dừng bán tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với lý do nguồn cung khan hiếm, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh. Điều này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi về những thiếu sót trong quản lý, kinh doanh xăng dầu.
Chi phí chưa hợp lý
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương can thiệp trước tình trạng giá dầu tăng cao, nguồn cung khan hiếm.
Tại địa phương này, các cửa hàng xăng dầu chỉ được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng số lượng hạn chế để hoạt động cầm chừng, xảy ra tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, từ đó chưa đảm bảo nhu cầu nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, nhiều Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường các địa phương đã có báo cáo về tình hình bán xăng dầu nhỏ giọt, bán theo số lượng hạn định, ngừng bán.
Hiện nay, theo khẳng định của Bộ Công Thương, nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo cung ứng đủ, 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đều đang được vận hành tối đa công suất. Cùng với đó, các đầu mối nhập khẩu tuân thủ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho các đại lý, cây xăng dừng bán?
Theo chia sẻ của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện chi phí tính trong cơ cấu giá xăng không đủ để doanh nghiệp trang trải kinh doanh, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Điều này dẫn tới việc cắt giảm chiết khấu từ các đầu mối thời gian qua. Bình thường lúc giá xăng dầu ổn định, mức chiết khấu là 1.200-1.300 đồng nhưng nay chỉ còn về dưới 100 đồng, thậm chí là 0 đồng.
Cùng với đó, trong công thức giá cơ sở có phụ phí nhập khẩu xăng dầu, trước đây, mức phụ phí khoảng hơn 1 USD/thùng nhưng nay đã lên 9 USD/thùng. Những yếu tố này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng, chịu nhiều thiệt thòi và không đủ chi phí chiết khấu cho đơn vị ngoài.
Doanh nghiệp lỗ thì phụ phí tăng, cộng thêm giá xăng dầu lên xuống bất thường. Do vậy, doanh nghiệp có thể chỉ nhập đủ hàng theo quy định, một phần theo dõi diễn biến giá thế giới, một phần giảm tình trạng “càng bán càng lỗ,” mà không bán thì bị phạt, ông Bảo cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, thời gian qua, các chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu tăng lên 2-3 lần cộng với chi phí vận chuyển… nhưng cách tính giá xăng dầu vẫn không thay đổi. Có thể điều này buộc doanh nghiệp phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho các cây xăng, tạo hiệu ứng dây chuyền thiếu nguồn cung cục bộ.
Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã cử các đoàn đi kiểm tra tại nhiều địa phương song theo các chuyên gia, các bước xử lý mới chỉ là phần ngọn.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng các đoàn kiểm tra cần phải làm rõ tận nơi xem gốc rẽ ở đâu. Hiện nay các hợp đồng kinh tế trong kinh doanh xăng dầu chưa chặt chẽ. Hợp đồng này là thỏa thuận các bên về hoa hồng, hạn ngạch, cung ứng… Do vậy, cần phải quy định chặt chẽ việc mua bán theo hợp đồng và tăng chế tài với việc thực hiện hợp đồng.
Cần sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức, đồng thời nên đưa ra mức giá trần, doanh nghiệp sẽ cân đối để điều chỉnh giá mà không tính toán theo biến động ngày, ông Bảo kiến nghị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng Bộ Tài chính cần nghiên cứu lại chi phí sao cho hợp lý và quy định sao cho không cứng nhắc, theo thời gian cụ thể. Có thể như mức quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức này chỉ áp dụng từ 2-3 năm, trừ khi có biến động lớn sẽ thay đổi. Chính sách phải hướng về doanh nghiệp, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp có lợi nhuận hợp lý. Khi đó, các khó khăn trong tình hình kinh doanh xăng dầu sẽ được giải quyết.
Bên cạnh đó, liên Bộ Công Thương-Tài chính cũng cần nghiên cứu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng xăng dầu từ đầu nguồn đến người tiêu dùng sao cho phù hợp, giảm bớt trung gian để người tiêu dùng được hưởng lợi.
Có nên bỏ Quỹ bình ổn?
Hàng chục doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã đồng loạt nêu quan điểm bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, với lý do quỹ này đã không đúng với mục đích Chính phủ đề ra và gây bất ổn trong điều hành quản lý giá.
Ý kiến từ Bộ Tài chính cho hay trong các giải pháp bình ổn giá xăng, dầu thì lập quỹ bình ổn giá là một giải pháp, thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá là khi có biến động về giá. Tuy nhiên, theo Bộ này, có nhiều ý kiến cho rằng khi có biến động giá mới lập quỹ thì sẽ có độ trễ, không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính xin ý kiến các bên liên quan về phương thức bình ổn giá; trong đó sẽ bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá, từ đó sẽ xem xét lại quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
Đoàn thanh tra của Sở Công Thương Nghệ An thanh tra đột xuất cửa hàng xăng dầu Bính Tứ, nơi không thực hiện bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. (Ảnh: TTXVN phát) |
Với giá xăng, dầu hiện nay, thị trường liên tục biến động theo giá thế giới. Các chuyên gia cho rằng, với mức biến động mạnh, quỹ này sẽ không còn thể hiện được vai trò bình ổn giá.
Ông Vũ Vinh Phú cho hay có thể xem xét để thay Quỹ bình ổn xăng dầu từ tiền thành dự trữ xăng dầu để đảm bảo giá bán không bị biến động. Nhà nước cần xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu bài bản và làm nhanh nhất có thể, trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong vòng 3-6 tháng. Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, để bỏ được quỹ bình ổn, chúng ta sẽ cần giải pháp khác để quản lý, vận hành giá xăng theo cơ chế thị trường.
Ở Việt Nam, kho dự trữ quốc gia không đủ lớn và hiện vẫn đang hộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, quỹ bình ổn dưới sự công khai, minh bạch của liên Bộ đã thể hiện được vai trò giảm đà tăng sốc của giá xăng dầu.
Với điều kiện thực tế ở Việt Nam và cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay, rõ ràng, để bỏ quỹ bình ổn sẽ cần phải cân nhắc kỹ. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, do vậy, Nhà nước muốn quản lý xăng dầu sẽ cần có công cụ để can thiệp trong trường hợp tăng giá, điều hành giá tốt hơn./.
Nguồn: Báo xây dựng