Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thị xã Việt Yên và thị trấn Hậu Hiền

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 28.

Tập trung 5 nhóm vấn đề 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày, cho ý kiến về 19 nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Nhóm vấn đề thứ nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với 2 dự thảo luật chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác như: Quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, còn một số nội dung khác liên quan đến tài chính ngân sách còn tồn đọng và cấp bách trước mắt và một số dự án quan trọng quốc gia, do vậy có khả năng sẽ cần tổ chức Kỳ họp bất thường trong thời gian tới.

Nhóm vấn đề thứ hai: xem xét, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2023; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ ba: xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)…). Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. 

Nhóm vấn đề thứ 4: xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự. Trong đó có 9 nội dung liên quan đến tài chính ngân sách, như việc phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023, bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường,  điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương,  bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mỡ nhờn năm 2004.

Về vấn đề địa giới hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ quốc hội sẽ xem xét việc, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nhóm vấn đề thứ 5: xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023. Xem xét, cho ý kiến, quyết định bằng văn bản đối với: Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung phiên họp nhiều, trong khi các công việc để kết thúc kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai, đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật được thông qua tại kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt các tờ trình thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

100% đại biểu tán thành thành lập thị xã Việt Yên và thị trấn Hậu Hiền 

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bắc Giang có 3.895,9 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 2.004.332 người; có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện; 209 ĐVHC cấp xã. Huyện Việt Yên có 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 229.162 người; có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 2 thị trấn và 15 xã).Tỉnh đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 09 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 7 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên. 

Kết quả sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên: tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 9 phường và 8 xã); 9 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội. Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa của huyện Việt Yên thì việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên, thành lập 9 phường thuộc thị xã Việt Yên trên cơ sở 2 thị trấn và 7 xã thuộc huyện Việt Yên là cần thiết…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, hồ sơ Đề án bảo đảm các nội dung theo đúng quy định và UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên và 9 phường thuộc thị xã Việt Yên.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và 9 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Việt Yên, Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025, bảo đảm theo đúng Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hoá và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Tỉnh Thanh Hóa đề nghị nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).

Kết quả sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền: Tỉnh Thanh Hoá không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 558 ĐVHC cấp xã (giảm 1 ĐVHC cấp xã); huyện Thiệu Hóa không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 24 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 22 xã và 2 thị trấn, giảm 1 ĐVHC cấp xã (giảm 2 xã, tăng 1 thị trấn); thị trấn Thiệu Hóa mới có 17,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 28.352 người; thị trấn Hậu Hiền sau khi thành lập và đổi tên không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số….

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, hồ sơ Đề án đã bảo đảm các nội dung theo quy định và UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền (trên cơ sở nguyên trạng xã Minh Tâm) thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, bảo đảm theo đúng Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra.

Thay mặt cơ quan Thẩm tra hai Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định; trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên đã bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ và địa phương. Một số ý kiến khác cho rằng, do xã Vân Hà nằm trong vùng thoát lũ nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn để phát triển thành phường là khó khả thi. Mặt khác, tuy phần lớn xã Vân Hà bị bao bọc bởi sông Cầu nhưng xã Vân Hà vẫn tiếp giáp và có đường giao thông kết nối với xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Do đó, đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu phương án sắp xếp đối với xã Vân Hà để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một cách tổng thể khi Chính phủ trình Đề án sắp xếp các Đơn vị hành chính (ĐVHC) của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 – 2025, qua đó giúp giãn dân khỏi vùng thoát lũ, đồng thời có phương án di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi có lũ lụt trên địa bàn; tránh việc lấy lý do vì có các ĐVHC mới được thành lập trên địa bàn để không thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.  

Về Đề án nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211. 

Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa rà soát kỹ hơn các lý do đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 10/10 ĐVHC thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 của huyện Thiệu Hóa, bảo đảm theo đúng yêu cầu tại Điều 3 của Nghị quyết số 35, có biện pháp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc huyện Thiệu Hóa để đưa vào Đề án sắp xếp ĐVHC của tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa theo các Tờ trình của Chính phủ đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Về thời điểm có hiệu lực của 2 Nghị quyết, trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là ngày 1/2/2024 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập (hiện trong dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết).

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các Đề án đã đảm bảo đầy đủ, quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lâu dài…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 2 Đề án hôm nay Chính phủ trình đã đảm bảo đúng thẩm quyền. Công tác thẩm tra 2 Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, Báo cáo thẩm tra và tài liệu đi kèm đảm bảo đầy đủ. Ủy ban Pháp luật cũng nêu nên một số ý kiến lưu ý với Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương về việc thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 117 của Chính phủ trong giai đoạn tới…

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao  Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và Bộ Nội vụ rà soát Thông báo gửi Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để yêu cầu khẩn trương phối hợp thực hiện đúng quy định của Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ trong việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023- 2025 đảm bảo những vấn đề như yêu cầu đặt ra, trong đó có những vấn đề nổi cộm và đặc biệt phải chú ý về vấn đề quy hoạch và việc  đô thị là không được nợ tiêu chí…

 Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích