Uỷ ban KHCN và MT khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Ninh Bình

Uỷ ban KHCN và MT khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Ninh Bình

MTĐT –  Chủ nhật, 28/08/2022 11:22 (GMT+7)

Chiều 26/8, đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện Luật Giao dịch điện tử.

Quang cảnh buổi làm việc tại Ninh Bình.
Quang cảnh buổi làm việc tại Ninh Bình 

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Tống Quang Thìn, Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Thực hiện Luật Giao dịch điện tử 2005, Ninh Bình đã ban hành nhiều quyết định, văn bản thi hành, hướng dẫn để triển khai. Thông qua các hoạt động tuyên truyền giúp các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giao dịch điện tử, từng bước nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của giao dịch điện tử như là một xu thế tất yếu trong đời sống và phát triển triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Ninh Bình đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ: www.dichvucong.ninhbinh.gov.vn. Cổng dịch vụ công tỉnh Ninh Bình đã và đang hoạt động hiệu quả trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống Một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện, 143 UBND cấp xã và 3 đơn vị ngành dọc.

Hiện 100% cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh đã được triển khai các Hệ thống thông tin dùng chung để xử lý, trao đổi hồ sơ, văn bản điện tử trên môi trường mạng. Hệ thống chứng thư số, chứng thực chữ ký số đã triển khai đến 100% cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trên 93% số lượng văn bản (trừ văn bản mật theo quy định) đi, đến của các cơ quan Đảng được trao đổi, xử lý trên mạng; 95% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan Nhà nước được được gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử, không sử dụng văn bản giấy.

Các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp, người dân quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng cũng được đẩy mạnh. Hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ…đã có những chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán và hành lang pháp lý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng cho rằng Luật được ban hành từ lâu, một số nội dung đến nay không còn phù hợp, do đó cần có những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo sửa đổi như: cần mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng không giới hạn các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số; bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng việc đưa ra các quy định, chính sách thực hiện giao dịch điện tử rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn giao dịch truyền thống…

tm-img-alt
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định: Ninh Bình có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện chuyển đổi số và coi đây là 1 trong 3 khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trong quá trình triển khai Luật Giao dịch điện tử 2005, tỉnh đã áp dụng hiệu quả và đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính. Tuy nhiên, đến nay Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, nên việc sửa đổi là hết sức cần thiết.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cũng làm rõ một số kiến nghị, đề xuất để dự thảo luật đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung uơ̛ng; bảo đảm sự phân công, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trong cả nước.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao sự phối hợp của tỉnh trong chuẩn bị nội dung phục vụ khảo sát thực tế của Đoàn công tác.

tm-img-alt
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí khẳng định, Ninh Bình là một trong những địa phương sớm ban hành văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

Chúc mừng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số của tỉnh, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng mong muốn trong thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giao dịch điện tử, chuyển đổi số, tạo sự kết nối liên thông giữa các cơ quan đơn vị trong chia sẻ cơ sở dữ liệu để vừa đảm bảo tính bảo mật vừa phục vụ công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Về Luật Giao dịch điện tử, đồng chí cho biết đã được Quốc hội thông qua năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày năm 2006. Luật được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thuơ̛ng mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thuơ̛ng mại quốc tế đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.

Tuy nhiên sau 16 năm triển khai đã xuất hiện những bất cập, khó khăn vướng mắc cần sửa đổi. Vì vậy kết quả khảo sát thực tiễn và các ý kiến phản ánh, đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ là cứ liệu quan trọng để đoàn ghi nhận, tổng hợp đầy đủ vào báo cáo kết quả thẩm tra Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội trong thời gian tới.

Trước đó, sáng 26/8, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đi khảo sát thực tế tại Viễn thông Ninh Bình, Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình.

tm-img-alt
Đoàn khảo sát tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Ninh Bình.

Tại các đơn vị đến làm việc, đoàn công tác đã đánh giá cao việc thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 của các đơn vị, đồng thời ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các để tổng hợp báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích