Ưu tiên cho doanh nghiệp nữ trong các chương trình hỗ trợ
Tại chương trình công bố báo cáo “Kiên cường vượt sóng – Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19” do VCCI tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 càn quét khốc liệt, ảnh hưởng sâu sắc tới phần lớn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Báo cáo cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ảm đạm hơn, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm, tỷ lệ doanh nghiệp bị thua lỗ tăng: Năm 2020, chỉ 53,2% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tỷ lệ bị thua lỗ là 32,1%; năm 2021, con số này tương ứng là 42,7% và tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh lên mức 39,2%.
Toàn cảnh hội thảo công bố báo cáo “Kiên cường vượt sóng – Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19” do VCCI tổ chức. Ảnh: Đinh Luyện |
Từ kết quả khát sát trên, VCCI kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nữ phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển.
Trong đó, cần đánh giá hiệu quả thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là cách thức tiếp cận thông tin hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, nhận được hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, từ đó sửa đổi, hoàn thiện luật này.
Bởi hiện nay, những chính sách và việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương còn bất cập. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp còn được đưa ra ở một số văn bản khác nên có sự chồng chéo, lúng túng khi áp dụng. Hơn nữa, mức độ hiểu biết về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khiêm tốn.
Cần có ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng. Cải thiện việc triển khai các biện pháp hỗ trợ do Chính phủ cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là minh bạch thông tin và quy trình thủ tục áp dụng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô