Ước tính Việt Nam giảm được 2,3 triệu tấn khí thải CO2 nhờ thu phí điện tử trên cao tốc

Ước tính Việt Nam giảm được 2,3 triệu tấn khí thải CO2 nhờ thu phí điện tử trên cao tốc

Trong giai đoạn 2019-2030, hệ thống triển khai thu phí điện tử (ETC) trên đường cao tốc ước tính có thể giúp Việt Nam giảm được 2,3 triệu tấn khí thải CO2, tiết kiệm 727 nghìn tấn nhiên liệu.

Đó là một trong những kết quả được rút ra từ nghiên cứu với tựa đề: “Triển khai thu phí điện tử (ETC) trên cao tốc: Động thái toàn cầu, Lợi ích ước tính từ nghiên cứu trường hợp của Việt Nam và những thảo luận chính sách” của PGS.TS Vũ Minh Khương.

PGS.TS Vũ Minh Khương đã công bố kết quả nghiên cứu trên website của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nơi mà ông đang công tác.

Việt Nam giảm được 2,3 triệu tấn khí thải CO2 nhờ thu phí điện tử trên cao tốc
Ảnh minh hoạ. ITN

Báo cáo dài gần 50 trang, là công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá quá trình chuyển đổi hệ thống ETC trong quản lý đường cao tốc, với một số ví dụ từ Trung Quốc và Ấn Độ, và đặc biệt tập trung vào trường hợp của Việt Nam.

Theo báo cáo, việc triển khai ETC tại Việt Nam từ năm 2019 đến nay đã mang lại những lợi ích kinh tế và môi trường đáng kể. Trong giai đoạn 2019-2030, hệ thống ETC ước tính có thể giúp Việt Nam giảm được 2,3 triệu tấn khí thải CO2, tiết kiệm 727 nghìn tấn nhiên liệu, hơn 1 tỷ giờ nhân lực, 445 triệu giờ tuổi thọ phương tiện, và tiết kiệm 465 triệu USD chi phí vận hành. Tổng lợi ích kinh tế mà ETC mang lại cho xã hội trong giai đoạn này ước tính lên tới 5,3 tỷ USD.

Công nghệ ETC, đặc biệt là RFID đang được triển khai tại Việt Nam, đã chứng tỏ sự vượt trội trong việc giảm tắc nghẽn giao thông tại các trạm thu phí, tiết kiệm nhiên liệu và cải thiện môi trường. Năm 2023, hệ thống ETC đã giảm được 191.860 tấn CO2 và tiết kiệm 60.816 tấn xăng, dầu diesel, cùng với việc giảm đáng kể thời gian di chuyển và chi phí vận hành.

Với những kết quả ấn tượng này, PGS.TS Vũ Minh Khương và đồng sự nhấn mạnh rằng việc triển khai ETC là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ tại Việt Nam. Đồng thời, công trình này cũng là tài liệu tham khảo quý giá cho các quốc gia đang phát triển khi muốn áp dụng hệ thống ETC để tối ưu hóa cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Báo cáo cũng khuyến nghị việc tiếp tục đổi mới và hỗ trợ chính sách, cùng với sự hợp tác giữa các bên liên quan, là cần thiết để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ ETC, hướng tới một mạng lưới giao thông thông minh và bền vững hơn trong tương lai.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích