Ước tính thiệt hại trong trận động đất tại Nhật Bản lên tới 17,6 tỷ USD
Ước tính thiệt hại trong trận động đất tại Nhật Bản lên tới 17,6 tỷ USD
Chính phủ Nhật Bản ngày 25/1 thông báo thiệt hại về cơ sở hạ tầng từ trận động đất tàn phá bán đảo Noto vào ngày đầu năm mới có thể lên đến 2.600 tỷ yen (17,6 tỷ USD).
Trận động đất có độ lớn 7,6 này đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang đối mặt với lo ngại về tác động tiêu cực của chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ ở các nền kinh tế phát triển và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đến tác động kinh tế của trận động đất, đồng thời lưu ý cần theo dõi chặt chẽ lạm phát, xung đột ở Trung Đông và biến động trên thị trường tài chính.
Trận động đất ngày đầu năm mới đã san phẳng nhiều nhà cửa, gây mất điện nước sinh hoạt trên một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và du lịch địa phương.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, thiệt hại đối với nhà ở, đường sá, cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác ước tính nằm trong khoảng từ 1.100 tỷ đến 2.600 tỷ yen tại 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề là Ishikawa, Toyama và Niigata.
Tính theo từng tỉnh, Ishikawa chịu thiệt hại nặng nề nhất với con số ước tính từ 900 tỷ đến 1.300 tỷ yen, tiếp theo là Toyama với 100 tỷ đến 500 tỷ yen và Niigata với 100 tỷ đến 900 tỷ yen.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vưc có nhiều nhà gỗ chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chống động đất lỗi thời. Tại tỉnh Ishikawa, 66% nhà ở tại Suzu là nhà gỗ được xây dựng trước năm 1980 theo tiêu chuẩn cũ, và tỷ lệ này tại Wajima là 56,4%.
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã bị suy giảm trong quý từ tháng 7 đến tháng 9/2023, nhưng các nhà kinh tế kỳ vọng có sự phục hồi trong 3 tháng sau đó cho đến tháng 12 năm ngoái.
Báo cáo mới nhất cho biết, tiêu dùng cá nhân đang tăng lên và đà tăng gần đây của đầu tư vốn dường như đang chững lại. Văn phòng Nội các Nhật Bản tiếp tục duy trì nhận định trong suốt 9 tháng qua rằng nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng, mặc dù một số khu vực yếu kém.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị