Ứng phó khủng hoảng trong thiên tai và dịch bệnh

(Xây dựng) – Dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn đối với mô hình và sự phát triển của các đô thị trên thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đại dịch Covid-19 khiến các đô thị trên toàn cầu phải hứng chịu một sự tác động không có cảnh báo trước, mạnh đến mức hầu hết các đô thị đều phải lựa chọn biện pháp đóng cửa mọi hoạt động, giãn cách xã hội ở quy mô lớn.
Việt Nam đứng thứ 7 trong số những nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, dễ bị tổn thương bởi hạn hán, bão, lũ lụt; những thảm họa thiên nhiên này đã cướp đi mạng sống của 13.000 người và gây thiệt hại về tài sản trị giá 6,4 tỷ đô la tương đương 1,5% GDP trong hai thập kỷ qua.
Thiên tai gây ra thiệt hại lớn cho các ngành kinh tế và dịch vụ công trọng điểm. Ở Việt Nam, mỗi năm, khoảng 852 triệu USD (0,5% GDP) và 316.000 việc làm trong các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp phải hứng chịu rủi ro do lũ lụt trực tiếp gây ra. Du lịch ven biển chủ yếu dựa vào bãi biển và các hệ sinh thái nguyên sinh, nhưng ước tính có khoảng 42% số khách sạn ven biển nằm gần những bãi biển đang bị xói lở. Trên toàn quốc, khoảng một nửa số cơ sở y tế nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt cao. Ở một số tỉnh, tỷ lệ này thậm chí còn lên đến gần 100%.
Thiên tai vốn triền miên, giờ đây, cộng thêm dịch dã càng khiến các đô thị thêm khó khăn. Các tác động của Covid-19 với đô thị bao trùm nhiều mặt từ khả năng di chuyển, giao thông, đình trệ sản xuất, hoạt động kinh tế, giáo dục… dẫn đến các vấn đề mà chính quyền địa phương phải giải quyết về an sinh xã hội, công bằng, công việc làm và thu nhập, dịch vụ đô thị. Các đô thị đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP của quốc gia khi bị đình trệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia, tác động sâu rộng tới nhiều nhóm đối tượng.
Đặc biệt, sự bùng phát của dịch Covid-19 ở khu vực đô thị đã làm dấy lên những lo ngại về việc phát triển của các đô thị lớn với mật độ dân cư cao; nổi lên vấn đề về bất bình đẳng xã hội tại các đô thị, đặc biệt các vấn đề về nhà ổ chuột, khu ở không chính thức, lao động phi chính thức, người vô gia cư…; đặt ra yêu cầu về tái tổ chức không gian đô thị, tái tổ chức hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng và các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người dân (đi bộ, đạp xe).
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã mang đến cơ hội tốt kiểm tra khả năng của các giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề xã hội ở quy mô đô thị cũng như tạo thêm động lực thúc đẩy cho sự phát triển của đô thị thông minh; đòi hỏi cấp thiết phải phát triển các đô thị theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh Covid-19 và biến đổi khí hậu đã, đang và tiếp tục là những thách thức lớn đối với mô hình và sự phát triển của các đô thị trên thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Những diễn biến này cùng với các xu hướng kinh tế và môi trường toàn cầu làm xuất hiện những thách thức mới, đòi hỏi phải có cách tư duy mới, có những thay đổi mang tính dẫn hướng trong quy hoạch, những thay đổi trong mô hình cư trú, làm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng trong cả hai quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch trong quản lý đô thị.
Đã đến lúc, các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm bất bình đẳng xã hội, tái tổ chức không gian đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế khu vực đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bền vững và bao trùm. Đặc biệt, cần tăng cường tính liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị trong mạng lưới đô thị vùng và đô thị quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng