Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay

MTĐT –  Thứ sáu, 14/10/2022 09:29 (GMT+7)

Gỗ tái chế hay còn gọi là Reclaimed Wood là loại gỗ tận dụng từ những thùng chở hàng, thùng rượu, nhà kho, nhà cổ,…

Sử dụng gỗ tái chế trong thiết kế nội thất homestay giúp thổi hồn vào các không gian lưu trú quy mô nhỏ, khiến khách hàng sử dụng có những trải nghiệm thân thiện, dịu dàng, tích cực về một không gian sống với loại hình vật liệu mới.

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Minh họa về gỗ tái chế

1. Đặc tính gỗ tái chế

Đặc tính chung nổi bật của gỗ phế liệu là sự đa dạng về kích thước và loại gỗ, gía thành rẻ, nguồn cung dồi dào. Từ nguồn gỗ chúng ta có thể sản xuất thành các sản phẩm ván nhân tạo để sử dụng. Ván nhân tạo là tên chung chỉ các loại vật liệu dạng tấm cấu tạo từ nguyên liệu thực vật có xơ sợi được liên kết bằng keo và dán ép dưới áp lực, nhiệt độ thích hợp.

Một số loại ván nhân tạo chính:

Ván dán: Sản phẩm dạng tấm phẳng gồm 3 hoặc nhiều lớp ván mỏng dán vuông góc chiều thớ với nhau. Bề dày của ván thường là 1,5; 2; 2,5; 3; 4- 10; 13; 15; 18; 24 mm. Khối lượng ván dán thường lớn hơn khối lượng gỗ sản xuất từ 18-20%, thường gỗ dán có khối lượng riêng 0,6-0,8g/cm3

Ván dăm: Loại ván nhân tạo được sản xuất bằng cách ép các dăm gỗ có sự tham gia các chất kết dính dưới tác dụng áp suất, nhiệt độ nhất định. Ván dăm thường được sản xuất với kích thước 1,22×2,44m và độ dày từ 12-28mm, bề mặt có thể trang trí bằng gỗ lạng hoặc fomica. Do ván dăm có tính ổn định về kích thước, tỷ lệ co rút theo các chiều nhỏ và có tính cơ lý bảo đảm yêu cầu chịu lực trong quá trình sử dụng nên ván dăm được sử dụng rộng rãi để đóng đồ mộc và trang trí nội thất, trong xây dựng và làm bao bì.

Ván sợi: Loại ván nhân tạo được cấu tạo từ sợi gỗ, được trộn keo và ép ở nhiệt độ thích hợp. Ván sợi loại trung bình MDF thường được sản xuất với kích thước 1,22×2,44m và có độ dày từ 6-30mm. Ván MDF có đặc tính cấu tạo đồng đều, lại có tính chất cơ lý cao vững chắc như gỗ thiên nhiên, mặt ván chắc, tính ổn định kích thước tốt nên phù hợp với nhiều hình thức gia công bề mặt kể cả chạm khảm, phay, đặc biệt không phải dán cạnh nên MDF được sử dụng nhiều để đóng đồ mộc trang trí nội thất trong xây dựng, ..

Ngoài ra, còn sử dụng chất kết dính như Ureformaldehyd (UF), Phenolformaldehyd (PF), Melaminformaldehyd (MF)… hoặc chất kết dính vô cơ như xi măng, thạch cao… chất chống ẩm như Parafin dạng lỏng, Colofan, Hắc ín. Để sản phẩm có màu sắc đẹp nên sử dụng Parafin hoặc Colofan.

2. Giá thành

Một trong những đặc điểm so sánh quan trọng của homestay so với loại hình khách sạn truyền thống, đó là tổng mức đầu tư. Các chủ đầu tư chủ yếu là chủ nhà, hộ kinh doanh cá thể tư nhân, cải tạo căn nhà của chính mình để cho thuê. Vì vậy yếu tố đầu tư chi phí rẻ là một yếu tố hết sức quan trọng trong quyết định hướng cải tạo. Gỗ tái chế là một vật liệu tương đối phổ biến tại Hà Nội, chúng ta hoàn toàn có thể mua dễ dàng với chi phí thi công không hề đắt đỏ, khi biến gỗ tái chế trở thành các cấu kiện trang trí trần, sàn, vách. So sánh đơn giá của các đồ đạc nội thất gỗ bán sẵn trên thị trường hiện nay cũng đều thấy ở mức chi phí đầu tư hết sức hợp lý (Tác giả khảo sát đơn giá trung bình trên thị trường).

3. Các giải pháp cụ thể ứng dụng gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay tại Hà Nội

Không gian nội thất

Tường, vách: Bằng cách tạo hình các tuyến làm cơ sở, chúng ta có thể kết hợp tạo thành cách bức tường ngăn chia không gian, vách ngăn không gian một cách đa dạng.

Không gian homestay thường được cải tạo từ những căn nhà có diện tích tương đối eo hẹp, chính vì vậy giải pháp sử dụng các tấm vách ngăn ước lệ không gian là một giải pháp rất ưu việt. Sản phẩm gỗ tái chế sau khi xử lý tạo hình, tạo ra những tấm vách ngăn không gian vừa nhẹ, vừa thoáng, vừa có tính thẩm mỹ rất cao, nên là một lựa chọn rất hợp lý.

Trần

Trần nhà bằng gỗ tái chế thường có tác dụng trang trí, và đặc biệt có tác dụng như một hệ thống “trần giả” che hệ thống kỹ thuật bên trên, cách âm- cách nhiệt. Là một hình thức xử lý bề mặt đầy xúc cảm, trần gỗ tái chế có tác dụng làm thay đổi đáng kể không gian, thay đổi thị giác người dùng thay vì những tấm trần phẳng beton, thạch cao nhàm chán.

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Không gian nội thất

Sàn gỗ tái chế

Do đặc tính sàn sử dụng cho phòng homestay cần phải tiết kiệm chi phí, nên sàn gỗ công nghiệp cao cấp, sàn gỗ thịt thường không nên được sử dụng. Bằng công nghệ ép gỗ, các tấm gỗ vụn ép được tạo ra vật liệu lát sàn đẹp, với texture mới lạ, nguồn gốc tự nhiên, tạo cảm giác chân thật cho người sử dụng. Gỗ ép tái chế thường sử dụng để lát sàn, bền hơn và chất cảm tự nhiên hơn nhiều so với gỗ công nghiệp, giá thành lại cạnh tranh hơn so với đa phần các loại ván sàn gỗ tự nhiên khác.

Hệ thống cửa sổ còn có thể sử dụng gỗ ghép tái chế làm khung, kết hợp với vật liệu mới là kính để tạo ra những hình thức cửa sổ mới

Nhờ sự đa dạng về các đặc tính từ nhiều loại gỗ, chúng ta có thể có nhiều biến thể như rèm tấm với mẫu mã đa dạng và giàu chất cảm, thậm chí là rèm trang trí nhưng với chi phí thấp phù hợp cho làm nhà dịch vụ như homestay. Hay cầu thang gỗ pallet này sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản kha khá cho việc làm cầu thang. Bên cạnh đó bạn cũng sở hữu luôn món nội thất cực độc đáo cho homestay của bạn.

Đồ đạc nội thất

Đồ đạc bằng gỗ từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống người Việt Nam. Tuy nhiên bằng việc nghiên cứu tìm tòi và hiểu được các đặc tính vượt trội của gỗ tái chế đã tạo ra nhiều sản phẩm nội thất với nhiều mẫu mã đa giạng, độc đáo với nhiều phong cách khác nhau từ truyền đến các cách hiện đại và kết hợp với nhiều loại vật liệu mới, gỗ tái chế xuất hiện trong việc chế tạo ra nhiều món đồ nội thất thú vị và không kém phần sang trọng tinh tế.

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Cửa đi và cửa sổ được thiết kế hiện đại được lấy từ gỗ tái chế. Hệ thống cửa sổ còn có thể sử dụng gỗ ghép tái chế làm khung, kết hợp với vật liệu mới là kính để tạo ra những hình thức cửa sổ mới

Nhờ các công nghệ xử lý và phụ gia kết dính mới, mà ngày nay chúng ta có thể thiết kế ra nhiều hình thức đồ đạc nội thất đa dạng hơn với nguyên liệu từ gỗ thừa, dăm gỗ- nhưng thứ trước đây gần như là bỏ đi. Từ đó nâng cao được tính sáng tạo cho các nhà thiết kế nội thất, nâng tầm thiết kế đồ gỗ lên trở thành các sản phẩm hiện đại, có tính chi tiết rất cao mà lại tiết kiệm chi phí. Khi gỗ tái chế được kết hợp với những vật liệu khác như thép, đá, sẽ cải thiện được những nhược điểm cố hữu của vật liệu, từ đó nâng cao khả năng chịu tải, chịu lực và đa dạng hoá khả năng liên kết. Ngoài ra, việc nghiên cứu cải thiện đặc điểm sinh học và sự đa dạng trong các loại gỗ cũng là một nguồn tài nguyên vật liệu quý giá cho các nhà thiết kế. Trong ảnh dưới là các loại bàn được design từ phần bỏ đi của gỗ

Đồ trang trí và các vật dụng phụ trợ

Trong không gian một homestay, ngoài các đồ đạc nội thất thì đồ decor là những thứ trực tiếp gây cảm xúc cho người sử dụng, và gây dấu ấn đối với khách thuê phòng lưu trú.

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Các chi tiết kiến trúc khác (cửa, rèm, cầu thang…)
Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Đồ trang trí và các vật dụng phụ trợ

4. Công trình Homestay thực tế tại hà Nội ứng dụng gỗ tái chế

Homestay Nhà Xanh 9 (Hà Nội)

Đây là công trình đầu tiên tác giả thử nghiệm vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế homestay. Bài toán đặt ra là xử lý một công trình nhà tập thể cũ rộng 80m2, xuống cấp sao cho tiết kiệm nhất với thời gian thi công ngắn nhất, dành cho khách lưu trú nước ngoài và ra được tinh thần Hà Nội. Với hệ thống đồ nội thất trong nhà từ không gian bếp đến phòng ngủ đều được tính toán thiết kế sử dụng tối ưu các sản phẩm gỗ tái chế, giúp tiết kiệm chi phí cho chủ. Tổng thể công trình đã tương đối hài hoà trong phạm vi đầu tư eo hẹp, đem lại những ghi nhận ban đầu.

Nhiệm vụ thiết kế lần này là một căn nhà ở phố Định Công đông đúc, chật hẹp nằm trong ngõ sâu. Với thời gian thi công ngắn nhất và giảm thiếu tối đa thay đổi kết câu của nhà, sử dụng các vật liệu lắp ghép không gây ồn ào, bụi bặm hay cồng kềnh. Qua tính toán của đội ngũ kỹ sư cùng với chủ nhà đã lựa chọn được một giải pháp tối ưu cho không gia. Qua đó toàn bộ nội thất cũng như đồ trang trí của ngôi nhà gần như sử dụng toàn bộ là vật liệu tái chế. Tạo nét độc đáo riêng biệt cho căn homestay với những nhà khác lân cận.

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Homestay Nhà Xanh9 (Hà Nội)

Homestay A House, Khương Trung

Công trình nằm trong một căn ngõ nhỏ, yên bình. Với diện tích chỉ hơn 46m2, ngôi nhà bắt buộc phải đảm bảo các công năng thiết yếu của một tổ ấm cho một cặp vợ chồng trẻ sắp cưới, tuy nhiên điều kiện kinh phí eo hẹp, thời gian xây dựng càng ngắn càng tốt, đặc biệt trong tương lai nó có thể dễ dàng cải tạo và thay thế khi nền kinh tế ổn định và cần đổi mới cuộc sống. Trải qua nhiều phương án, cuối cùng các KTS cũng tìm ra phương án tối ưu nhất

Nội thất của ngôi nhà sử dụng gam màu mộc mạc và ấm áp, từ những mảng gạch trần và gỗ thông đã qua xử lý chống mối mọt đến những mảng gạch hoa gợi nhớ quá khứ hoài cổ và những chi tiết trên bàn làm từ những khối gỗ không chỉ độc đáo mà còn là điểm nhấn cho ngôi nhà …, tất cả hòa quyện tạo nên không gian chân thật, mộc mạc nhất nhưng không thiếu phần quan tâm của đôi vợ chồng trẻ.

Ứng dụng vật liệu gỗ tái chế trong thiết kế nội thất Homestay - Tạp chí Kiến Trúc
Homestay A House, Khương Trung

5. Kết luận

Sử dụng vật liệu gỗ tái chế trong kiến trúc nội thất homestay giúp cho người xem có được chất cảm vật liệu một cách rõ rệt, nó gần gũi, ấm áp, mộc mạc… Trong mọi không gian kiến trúc đều có thể áp dụng được gỗ tái chế. Bên cạnh đó, không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế, thói quen người tiêu dùng, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ rừng trồng, xu hướng sử dụng gỗ tái chế là một trong những giải pháp bền vững để giữ gìn màu xanh cho Trái đất, góp phần gìn giữ môi trường tự nhiên và bảo vệ đời sống con người.

ThS. Nguyễn Hoàng Hiệp 
Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Trường Đại học Xây dựng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích