Ứng dụng nông nghiệp 4.0 mang thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng
Tập đoàn De Heus (Hà Lan) công bố hợp tác với Microsoft Việt Nam thông qua việc tin tưởng lựa chọn giải pháp đám mây Microsoft Azure để triển khai ứng dụng nông nghiệp 4.0 trên toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành của mình ở Việt Nam và các nước khác trong khu vực Châu Á nơi De Heus có mặt, góp phần mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Tập đoàn De Heus (Hà Lan) là một tập đoàn hoạt động trên quy mô toàn cầu, với hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về dinh dưỡng động vật, hiện đang có mặt tại hơn 75 quốc gia, bao gồm 82 nhà máy trải dài ở các khu vực trọng điểm chăn nuôi của thế giới với hơn 6.000 nhân viên trên toàn cầu, De Heus tự hào nằm trong top 10 các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.
Trải qua hơn 12 năm gia nhập thị trường thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, thực phẩm tại Việt Nam, De Heus luôn nỗ lực đóng góp những giá trị bền vững trong phát triển nông nghiệp và góp phần đưa thực phẩm sạch đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam.
Tính đến nay, De Heus Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc so với nhiều doanh nghiệp trong ngành với 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi được trang bị công nghệ hiện đại của châu Âu tại những tỉnh thành trọng yếu của đất nước.
Từ năm 2015, Việt Nam chính thức trở thành trụ sở chính của De Heus tại khu vực Châu Á, điều này đã nâng cao sự tự tin của De Heus trong việc phát triển những hoạt động của mình tại khu vực. Bên cạnh Việt Nam, De Heus cũng đã bước đầu vận hành rất thành công tại Myanmar, Cam-pu-chia, Indonesia và Ấn Độ.
Đi cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng trong một thời gian ngắn, De Heus Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều thử thách trong việc quản lý và vận hành các chi nhánh, nhà máy tại những thị trường khác nhau trong khu vực. Thực tế cho thấy tại mỗi địa điểm nơi De Heus đặt trụ sở hoạt động sản xuất, hệ thống vận hành được xây dựng trên nền tảng công nghệ phân tán, việc quản lý và hợp nhất dữ liệu trở nên phức tạp, dẫn tới sự tốn kém về thời gian, nhân lực, chi phí vận hành, và theo đó ảnh hưởng đến năng suất cũng như những quyết định kinh doanh quan trọng.
Để có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển cũng như nhanh chóng thích nghi với giai đoạn bình thường mới, nâng cao hiệu suất hoạt động và năng lực cạnh tranh trong khu vực, De Heus đã quyết định số hóa toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành của mình trong khu vực châu Á, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu phân tích.
Theo thống kê, dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 9,8 tỷ dân vào năm 2050, nhu cầu về thực phẩm an toàn và lành mạnh theo đó cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Viện Tài nguyên Thế giới ước tính nhu cầu thực phẩm trên toàn cầu sẽ tăng 56%, trong đó nhu cầu thực phẩm làm từ động vật tăng gần 70%. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với người chăn nuôi và các công ty sản xuất lương thực trên toàn thế giới.
Chính vì lẽ đó, tại Việt Nam, De Heus quyết định hợp tác với Microsoft với những yêu cầu thực hiện vô cùng cẩn trọng. Tập đoàn đã tin tưởng và triển khai giải pháp đám mây toàn diện của Microsoft, bao gồm Microsoft 365 và Azure cho toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành tại khu vực châu Á. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang triển khai Dynamic 365 cho thị trường Indonesia và có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực trong thời gian tới.
Theo đại diện doanh nghiệp, hiện, việc ứng dụng công nghệ cao trong bộ máy vận hành được xem là một trong những yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào. Ngành chăn nuôi cũng không phải là ngoại lệ. Dynamic 365 giúp De Heus thu thập, hợp nhất và phân tích thông tin khách hàng theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ De Heus nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu thay đổi liên tục theo từng ngày, triển khai các giải pháp quản lý chăn nuôi hiện đại và hiệu quả cho khách hàng cũng như các đối tác trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Dựa trên báo cáo về chỉ số xu hướng công việc thường niên của Microsoft, 81% lực lượng lao động tại Việt Nam mong muốn hình thức làm việc từ xa vẫn được linh hoạt áp dụng đồng thời với hình thức làm việc truyền thống sau khi dịch bệnh kết thúc. Mô hình làm việc kết hợp (hybrid work) này hiện được xem là mô hình lý tưởng cho kỷ nguyên làm việc mới. Do đó, thông qua việc triển khai Microsoft 365, De Heus đã tin tưởng, trao quyền cho nhân viên, thúc đẩy sự linh hoạt và sáng tạo, với hy vọng mọi người có thể cộng tác và làm việc một cách hiệu quả và bảo mật trong mọi hoàn cảnh, ở bất cứ đâu, trên bất kỳ thiết bị cá nhân nào.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành, Microsoft Việt Nam cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi thì một trong những yếu tố tiên quyết là việc ứng dụng công nghệ. Đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng số và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người nông dân là chìa khóa mở ra hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Bà Quyên tin rằng De Heus Việt Nam sẽ luôn sát cánh cùng người chăn nuôi tiến xa hơn đúng với tinh thần và giá trị cốt lõi mà De Heus theo đuổi.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những diễn biến phức tạp của nó tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, cá tôm,v.v…được rao bán khắp các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phải khẳng định việc tổ chức phân phối tại các kênh truyền thống, mở cửa lại các chợ là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của kênh thương mại điện tử, giúp người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Đại diện Grab cũng cho hay, dịch Covid-19 kéo dài gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người, nhưng mặt khác lại thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người Việt.
Việc bán thực phẩm tươi sống thường được các sàn ít quan tâm do điều kiện vận chuyển. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh, các sàn bắt đầu triển khai bán tạp hoá đồ khô như mỳ tôm, bánh kẹo,… sau đó là rau rủ quả khi phối hợp với các địa phương giải cứu nông sản.
Nhờ kinh nghiệm đó, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, các sàn tung thêm nhóm hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt heo, thịt bò trong nước và nhập khẩu, rau củ quả. Một số sàn còn chọn cách kết nối với các nhà cung cấp chuyên về thịt mát, thực phẩm tươi sống nhập khẩu.
Theo khảo sát, 4 sàn thương mại điện tử lớn là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo đều có gian hàng thực phẩm tươi sống phục vụ khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Các mặt bàng được bán bao gồm thịt, cá, trứng, rau củ quả,… Hai sàn thương mại điện tử của bưu chính là Postmart và Vỏ sò cũng triển khai mảng này.
Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, ông James Dong cho biết, thông qua tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tận dụng tối đa nguồn lực cung ứng (logistics), sàn sẽ mang những thực phẩm tươi, sạch như trái cây, rau củ, thịt cá đến tận nhà cho khách hàng, đơn được giao trong vòng 2h đồng hồ.
Trên Shopee cũng bán nhiều loại rau củ quả phục vụ nhu cầu của khách hàng trong đợt giãn cách. Sàn này từng kết hợp với Now triển khai dịch vụ đi chợ hộ, nhưng hiện đã dừng.
Tương tự, Tiki và Sendo đều có bán thịt cá, trái cây, rau củ quả từ nội đến ngoại. Trên Tiki, sản phẩm thuộc nhóm hàng hoá tươi sống bán khá đa dạng, từ trái cây, rau củ, thịt, thực phẩm khô đến hải sản như tôm hùm, hàu sữa,… Ngành hàng này trên Tiki đưa ra các tiêu chí như thực phẩm tươi ngon hàng ngày, giao hàng trong 3 giờ, sản phẩm chính hiệu, đảm bảo nguồn gốc.
Dữ liệu của iPrice cho biết, các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạp hóa trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nóng. Trong khi đó, nhóm hàng này từ trước đến nay vốn không phải là mặt hàng chủ lực của các sàn.
Số liệu ghi nhận tại một số sàn cho thấy, lượng đơn hàng tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội. Tiki đã tiêu thụ khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn/ngày với mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee tăng mạnh, khoảng 30 tấn/ngày. Lazada có sản lượng tiêu thụ trung bình 5-10 tấn/ngày với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Việc các sàn thương mại điện tử mở ngành hàng thực phẩm là cơ hội mở rộng kênh phân phối cho các trang trại, nhà cung ứng thị sạch, thực phẩm hữu cơ. Anh Minh Tân, chủ gian hàng Foodmap, cho biết từ đầu 2021, số lượng đơn hàng thực phẩm tươi sống và nông sản tăng trưởng mạnh. Riêng tuần qua, sức mua tăng gấp 4-5 lần so với bình thường.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, shipper không thể tập trung quá đông trước cửa hàng. Thời gian xử lý sẽ lâu hơn. Để tránh tình trạng đơn hàng trì trệ, đội ngũ nhân viên sẽ nhắn tin báo để người mua yên tâm rằng sản phẩm đang được chuẩn bị và vận chuyển đến tay họ sớm nhất.
Mặc dù thích ứng nhanh, nhưng các sàn thương mại điện tử vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh với chợ truyền thống và siêu thị.
Đại diện một sàn thương mại điện tử nhận xét, việc bán hàng đều phụ thuộc vào các nhà cung cấp, sàn chỉ là trung gian nên có hiện tượng đơn hàng bị giao chậm hoặc sai sót, khiến niềm tin khách hàng bị giảm sút. Việc giao hàng cũng là một điểm yếu khi lượng shipper giảm mạnh vì dịch. Nhiều đơn hàng không thể giao sớm, dẫn tới tình trạng quá tải.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc tiếp thị Haravan, cho rằng, vấn đề lớn nhất khi bán nông sản, thực phẩm tươi sống qua sàn là khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển phải vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa có chi phí tối ưu. Thường thì giá trị đơn hàng nông sản thấp nhưng thể tích sản phẩm lại cao, dẫn đến chi phí đóng gói, vận chuyển cũng cao.
Theo ông Tấn, ngoại trừ những chương trình giải cứu, hỗ trợ nông sản, một số sàn, doanh nghiệp chấp nhận giảm lãi để tạo hình ảnh tốt, sau đó phải tính lại bài toán chi phí.
Mặc dù ngành hàng thực phẩm tươi sống bán trên sàn còn khá khiêm tốn nhưng đang mở ra nhiều kỳ vọng. Theo khảo sát của Haravan, trong quý I/2021, nhu cầu mua thực phẩm online tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán mức tăng trong quý II/2021 cũng tương ứng. Mức tăng này là cao đối với ngành thực phẩm, nhưng so với tổng thể thị trường thì còn thấp.
Nếu tổng doanh số của thị trường bán lẻ Việt Nam là 200 tỷ USD thì thương mại điện tử chiếm khoảng 10 tỷ USD. Nhưng ngành nông sản, thực phẩm trước giờ bán online chưa đến 1 tỷ USD. Với mức tăng 65%, so với tổng thị trường bán lẻ, cũng chỉ chiếm 0,5%. Với đà tăng được ghi nhận trong tháng 6/2021, mức tăng của nông sản, thực phẩm bán qua sàn trong năm nay có thể gấp đôi và đây là tín hiệu tốt.
Diệu Hương (T/h)