Ứng dụng khoa học công nghệ tạo đòn bẩy hỗ trợ tăng năng suất lao động
Tham dự Hội thảo có TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các chuyên gia đại diện Tổ chức Năng suất Châu Á, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Năng suất Việt Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Công Võ – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc cho biết, năng suất luôn là yếu tố nền tảng để đạt mục tiêu căn bản trong tăng trưởng. Năng suất giúp tạo ra nhiều của cải vật chất cho đời sống xã hội. Bên cạnh đó, năng suất cũng là yếu tố cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để đạt mục tiêu chiến lược quốc gia. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính nâng cao, tạo ra thay đổi, đột phá về năng suất.
Toàn cảnh Hội thảo: Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc nhấn mạnh, tại Việt Nam vấn đề năng suất nhận được sự quan tâm của Chính phủ; chính sách thúc đẩy năng suất được thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Tại Vĩnh Phúc nói riêng, việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất đã nhận được sự quan tâm sát sao tại nhiều văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh, các chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Việc tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” tại Vĩnh Phúc là cơ hội để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt thông tin trao đổi với các chuyên gia trong nước, quốc tế về năng suất trong bối cảnh mới. Những giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất đã đóng góp vào việc đạt được mục tiêu phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như sự phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn..
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc hi vọng thông qua hội thảo từ những chia sẻ, đóng góp, ý tưởng của các chuyên gia sẽ giúp Vĩnh Phúc triển khai có hiệu quả các chương trình thúc đẩy nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo.
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Hội thảo.
Thông tin tới Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký Tổ chức năng suất châu Á, Thủ tướng cũng đề nghị Tổ chức năng suất Châu Á giúp Việt Nam thay đổi cơ bản về vấn đề năng suất lao động.
“Thủ tướng đã đưa ra các vấn đề như cần xây dựng một thể chế về năng suất, đặt ra việc cần phát triển nguồn nhân lực cũng như sự vận hành mô hình quản lý của cơ quan năng suất quốc gia làm sao giải quyết được vấn đề năng suất lao động’’, TS. Hà Minh Hiệp nói.
TS. Hà Minh Hiệp hi vọng các bài tham luận của đại biểu đại diện cho Tổ chức năng suất Châu Á tại Hội thảo sẽ mở ra những định hướng, giải quyết các vấn đề còn tồn tại về năng suất để doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và mục tiêu nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cả nước nói chung được hoàn thành và trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
Ông Arsyoni Buana cho biết, Tổ chức năng suất Châu Á sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam giải quyết những tồn tại, thách thức để tìm ra nút thắt trong tăng năng suất lao động.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổ chức Năng suất Châu Á – ông Arsyoni Buana nhận định, năng suất lao động của Việt Nam còn nhiều điểm cần nhìn nhận, đánh giá lại, khắc phục.
Ông Arsyoni Buana bày tỏ, câu chuyện tăng năng suất lao động tưởng rất dễ nhưng thực tế không phải vậy. Điều quan trọng giúp cải thiện năng suất lao động Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực. Để đạt được chỉ tiêu trong vấn đề tăng năng suất lao động đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất lớn, tập hợp, vận dụng các nguồn lực, đưa năng suất thực sự trở thành phong trào lớn mạnh và cùng quyết tâm thực hiện.
Ông Arsyoni Buana cũng thông tin, Tổ chức năng suất Châu Á sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam giải quyết những tồn tại, thách thức để tìm ra nút thắt khiến năng suất lao động chưa được nâng cao như mong muốn. Đặc biệt, sẽ giúp Việt Nam trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để trở thành đòn bẩy hỗ trợ việc tăng năng suất lao động. “Khoa học công nghệ sẽ giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình và có thể duy trì, phát huy những lợi ích có được bằng việc tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng”, ông Arsyoni Buana nói.
Với tham luận “Chiến lược và giải pháp thúc đẩy tăng năng suất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore, Chuyên gia APO đã phân tích chi tiết những vấn đề liên quan đến nâng cao năng suất lao động ở địa phương. Theo TS. Vũ Minh Khương, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến năng lực kiến tạo giá trị. Lấy ví dụ riêng về tỉnh Vĩnh Phúc ông cho rằng tiềm năng của Vĩnh Phúc rất dồi dào, tuy nhiên làm sao để tận dụng lợi thế trở thành địa phương phát triển toàn diện vào năm 2045 thì đây là bài toán cần được giải tỉ mỉ, chi tiết và bài toán này không dễ.
TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore, Chuyên gia APO.
“Phải làm sao các địa phương của chúng ta giống như Nhật Bản hay Singapore phong trào năng suất ở người dân rất mạnh mẽ, đâu đâu cũng bàn luận về năng suất. Vĩnh Phúc có thể trở thành địa phương đi đầu trong vấn đề xây dựng năng suất trong lòng dân, trong mỗi doanh nghiệp và lắng nghe, giúp đỡ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng năng suất chất lượng”, TS. Vũ Minh Khương nói.
TS. Vũ Minh Khương đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần mở những khóa học giảng dạy về năng suất cho thế hệ trẻ để làm sao năng suất gắn vào mỗi cá nhân, gia đình.
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy năng suất thông qua công cụ GRP (Good Regulatory Practicea) – Kinh nghiệm của Malaysia, ông Kabir Ahmad Mohd Jamil, chuyên gia APO cho biết, để Malaysia thoát được bẫy thu nhập trung bình, quốc gia này đã dốc toàn lực vào tăng năng suất. Với Malaysia, sau thời gian những thể chế lỗi thời, không phù hợp trở thành gánh nặng tới sự phát triển của doanh nghiệp thì các nhà quản lý đã thay đổi tư duy, cùng doanh nghiệp khắc phục nó. Khi doanh nghiệp có được sự tăng trưởng thì nhà quản lý mới thu thuế, lúc này nhà quản lý không còn đứng trên, đưa ra những quy định, yêu cầu mà trở nên như một người đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với Việt Nam, ông Kabir Ahmad Mohd Jamil nhận thấy cần cải cách quy định chính sách để doanh nghiệp có thể cảm nhận rõ họ có sự đồng hành từ cơ quan quản lý. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn trong việc áp dụng công cụ và nâng cao năng suất chất lượng.
Sau những tham luận phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như giải pháp đối với vấn đề thúc đẩy, nâng cao năng suất, Hội thảo đã lắng nghe, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp tham dự. Các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được các chuyên gia năng suất đồng hành trong vấn đề nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm sao giúp doanh nghiệp có thể phát triển bền vững sau đại dịch.
Phương Nam