Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị nông sản

Việt Nam là nước có thế mạnh nông nghiệp truyền thống, nhân lực dồi dào, tài nguyên nông nghiệp phong phú, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Giá trị nông sản được tạo ra bởi phần lớn lao động trong nước. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở ra triển vọng xuất khẩu.

Theo Bộ Khoa và Công nghệ, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị gia tăng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chuyên gia cho rằng, để tiến vào các thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do, nông sản Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe. Theo đó, ngành nông nghiệp cần đầu tư nhiều hơn trong những nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao năng lực cho người nông dân để sản xuất nông sản chất lượng cao và an toàn.

Là chuyên gia nghiên cứu phân bón vi sinh vật và phân hữu cơ, tiến sĩ Nguyễn Thu Hà và các cộng sự tại Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã có nhiều nghiên cứu về cải tạo đất trồng – yếu tố đầu vào quan trọng quyết định chất lượng nông sản. Chị chia sẻ, để loại trừ sâu bệnh, người nông dân buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khiến cho những tồn dư trên nông sản hay trên đất còn khá nhiều. Quan trọng là cần giữ đất trồng sạch để đảm bảo độ sạch của nông sản.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hà cùng nghiên cứu cải tạo đất trồng

Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng nông sản khi xuất khẩu sang thị trường các nước khác nhau đòi hỏi mỗi doanh nghiệp quan tâm đến công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.

Công ty Cổ phần AMEII Việt Nam – một đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản – đã ý thức rõ về tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đây không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề nhân lực mà còn để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm doanh thu bền vững. Ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT của công ty – chia sẻ, mỗi mặt hàng của doanh nghiệp đều có quy trình cụ thể được rà soát định kỳ bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường mục tiêu.  

Công ty 8Corners thuộc tập đoàn Semo của Hàn Quốc là một doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ chế biến sâu, những lá trà được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt từ Hàn Quốc. Theo chia sẻ của ông Jonathan Choi – Giám đốc công ty – các sản phẩm trà của 8Corners đều tạo ra các giá trị tái sinh. Phần vụn của lá trà thường bị bỏ đi nay đã được ép lại thành viên nén để tiếp tục sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

 

Giáo sư Takashi Uemura – Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm và An ninh lương thực châu Á – nhận định, Việt Nam cần học hỏi và đầu tư vào công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tạo ra nền nông nghiệp vượt bậc, sánh ngang các nước như Hàn Quốc, Canada, Mỹ. Với lợi thế đa dạng về nông sản chất lượng như lúa gạo và rau củ quả, tiềm năng xuất khẩu ra thế giới của nông sản Việt Nam rất tươi sáng.

Để khoa học công nghệ đi vào thực tiễn giúp phát triển ngành nông nghiệp, cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Nông nghiệp Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao năng lực cho nông dân để tự tổ chức sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích