Ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng nông nghiệp
Công nghệ chiếu sáng đã trải qua nhiều cuộc cách mạng, cụ thể là sự chuyển tiếp từ bóng đèn sợi đốt sang bóng compact và hiện nay là đèn Led. Đèn Led có đặc tính không chứa chất độc hại, tuổi thọ cao, và cho phép kiểm soát ánh sáng một cách hiệu quả với chi phí tiêu thụ điện rất thấp.
Dùng đèn Led trồng hoa cúc, lợi nhuận tăng hơn 20%
Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích sản xuất hoa lớn nhất cả nước với khoảng 9.000 ha/năm, cơ cấu các giống hoa khá đa dạng, hoa trồng được quanh năm với chất lượng vượt trội so với các vùng sản xuất khác. Trong đó, diện tích canh tác hoa cúc khoảng 3.000 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 1,3 tỷ cành/năm. Trong sản xuất hoa cúc, để đảm bảo quá trình sinh trưởng, ra hoa và chất lượng cành hoa, việc bổ sung quang chu kỳ (chiếu sáng bằng điện) là điều kiện tiên quyết. Theo đánh giá, việc sản xuất mỗi ha hoa cúc phải sử dụng khoảng 1,6 nghìn bóng đèn với thời gian bổ sung quang cho hoa thương phẩm từ 30 – 35 ngày. Trong trường hợp sản xuất giống, việc chiếu sáng phải duy trì suốt mùa vụ, thời gian chiếu sáng mỗi ngày từ 7 – 8 giờ.
Trước đây, đèn chiếu sáng cho hoa cúc, ban đầu chỉ có bóng đèn sợi đốt. Loại bóng đèn này tốn điện, tỏa nhiệt lớn và tuổi thọ của bóng đèn ngắn. Sau đó, đèn compact ra đời và được sử dụng thay cho bóng đèn sợi đốt, giúp tiết kiệm điện hơn, tỏa nhiệt ít hơn và tuổi thọ cao hơn bóng sợi đốt. Việc ra đời công nghệ đèn Led là cuộc cách mạng cho chiếu sáng bổ sung quang chu kỳ trong canh tác nông nghiệp. Hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led để chăm sóc hoa cúc đạt năng suất và chất lượng cao, bền, giá thành ngày càng hạ, giúp tăng thêm giá trị lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích đất.
Ông Nguyễn Văn Ký, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương đã mạnh dạn đầu tư 120 bóng đèn Led công suất 10W có chóa đèn phản quang ở chuôi mỗi bóng để chiếu sáng cho hoa cúc trên diện tích 1.000 m2. Để tiết kiệm, đèn được mắc với khoảng cách mỗi bóng là 3×3 m, thời gian rơle tự động bật, tắt là mỗi 15 phút. Thời gian vận hành từ 20 giờ tối đến 2 giờ 30 phút sáng hôm sau. Kết quả là cây hoa cúc vẫn đảm bảo đủ sáng để sinh trưởng, phát triển tốt, đạt chiều cao và tiêu chuẩn theo yêu cầu của người thu mua.
Đèn Led có tuổi thọ được khuyến cáo là 1.000 giờ thắp sáng. Hệ thống đèn Led có đặc điểm nổi bật là bóng vẫn giữ nhiệt độ ổn định ngay cả khi nguồn điện chập chờn. Nếu có sự cố chập cháy xảy ra, khi sửa được nguồn hay đường dây, bóng vẫn sáng lại bình thường. “Khi sử dụng đèn compact, mỗi vụ hoa cúc gia đình tôi tốn khoảng 1,2 – 1,3 triệu đồng/1.000 m2. Chuyển sang sử dụng bóng đèn Led, chi phí tiền điện một vụ hoa cúc của gia đình chỉ còn khoảng 300.000 – 500.000 đồng/1.000 m2. Tiền điện giảm, chưa kể sử dụng đèn Led cây đẹp hơn”, ông Ký chia sẻ.
Theo số liệu của Hội Nông dân thành phố Đà Lạt, diện tích sản xuất hoa cúc ứng dụng công nghệ đèn Led đến thời điểm hiện tại đạt khoảng gần 300 ha. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sản xuất hoa cúc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ ứng dụng công nghệ đèn Led cho chiếu sáng bổ sung.
Bội thu từ sử dụng đèn Led chiếu sáng thanh long
Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2023, có những năm đạt mốc hơn một tỷ USD. Hiện nay, cây thanh long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh như: Bình Thuận chiếm 50,73%, tiếp đến là Tiền Giang với 16,42%, Long An là 15,15%, còn lại là các địa phương khác.
Bình Thuận, tỉnh có gần 91% diện tích trồng thanh long đang dùng bóng đèn để chong cho thanh long ra hoa trái vụ. Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh xác định thanh long là một trong chín cây trồng chủ lực. Mỗi năm, thanh long mang lại cho tỉnh bình quân khoảng 350 – 400 triệu USD. Kết quả nêu trên có được nhờ sự hỗ trợ của các nhà khoa học, sự cần cù của người nông dân sử dụng ánh sáng đèn để chiếu sáng kích thích thanh long ra hoa trái vụ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Là người gắn bó với nghề trồng thanh long đã hơn 20 năm, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh Long Thuận Tiến, Bình Thuận chia sẻ: “Thời đầu, tôi sử dụng bóng sợi đốt 60-100W, sau đó chuyển đổi qua đèn compact rồi tới cách đây 2 năm tôi làm qua mô hình đèn Led 9W của Rạng đông. Led 9W phân bổ ánh sáng tản đều, kích hoa trên một trụ ra rất đều. Đèn Led 9W thay cho đèn compact 20W giảm tới 50% điện năng tiêu thụ, tương đương tiết kiệm từ 300 – 350 đồng/kg. Nhân lên số bóng cả cánh đồng, một vụ sẽ là số tiền rất lớn”.
Không chỉ tại Bình Thuận, mô hình thí điểm và giải pháp chiếu sáng đèn Led chuyên dụng cho thanh long đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Quảng Ninh, Hải Dương và một số địa phương khác. Đèn Led cho thanh long tại Chí Linh, Hải Dương cũng được triển khai trên quy mô 1 ha với 1.100 đèn, tiết kiệm được 85% điện năng so với đèn sợi đốt 60W và 55% điện năng so với đèn compact 20W, giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng quả, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Việc chuyển đổi chiếu sáng cho canh tác nông nghiệp bằng đèn Led là một bước đột phá mới trong việc tiếp cận, áp dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại, tạo cơ hội cho nông dân gia tăng nhiều lần giá trị lợi nhuận. Mô hình sử dụng công nghệ chiếu sáng nhân tạo bằng đèn Led mang lại nhiều lợi ích, như: tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu